Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cao điểm chống hàng lậu, hàng giả

Cập nhật: 07:00 ngày 04/11/2018
(BGĐT)- Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân thường tăng vào những tháng cuối năm nên nhiều đối tượng vận chuyển, buôn bán đã tìm mọi cách để “tuồn” vào thị trường hàng nhập lậu, kém chất lượng nhằm thu lời bất chính. Thực trạng này đang có chiều hướng gia tăng.  

Vì lợi nhuận bất chấp pháp luật

Bắc Giang tiếp giáp với nhiều tỉnh biên giới như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, thuận lợi để các đối tượng kinh doanh bất hợp pháp trung chuyển, tuồn sâu hàng lậu, hàng giả, thực phẩm bẩn vào nội địa qua các tuyến quốc lộ 1, 31, 37 chạy qua địa bàn tỉnh. Thiếu tá Nguyễn Đức Thực, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm về môi trường trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, y tế, an toàn thực phẩm và lĩnh vực khác, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) cho biết, hàng hóa nhập lậu từ biên giới nếu tuồn trót lọt vào nội địa, lưu thông trên thị trường, các đối tượng kinh doanh bất chính trục lợi gấp 5-10 lần.

{keywords}

Cục Quản lý thị trường tiêu hủy hàng giả, kém chất lượng tại TP Bắc Giang. Ảnh: hoàng phương

Đơn cử, mỗi kg nầm lợn nhập lậu ẩm mốc, ôi thiu giá gốc chỉ vài nghìn đồng nhưng sau khi đưa vào nhà hàng có giá đến hàng trăm nghìn đồng. Chính vì lợi nhuận quá cao nên các đối tượng bất chấp quy định của pháp luật sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi để vận chuyển hàng hóa về nội địa. Đặc biệt, để “né” lực lượng chức năng, đối tượng còn sử dụng “cò” theo dõi, thường xuyên gắn biển giả, thay đổi biển số xe cũng như tuyến đường, thời gian vận chuyển hàng hóa. Nhiều trường hợp trà trộn hàng nhập lậu với hàng có hóa đơn, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

Xác định rõ tính chất phức tạp như trên, thời gian gần đây, lực lượng chức năng: Công an tỉnh, Quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp kinh doanh sai quy định. Hàng hóa bị bắt giữ thời gian qua chủ yếu là: Lòng, nầm lợn, hạt ngô, mỳ ống, củ cải, bột làm bánh, đất nặn (đồ chơi trẻ em)… nhập lậu; giày dép, ống nhựa, dây điện, sạc điện thoại, giấy vệ sinh, mì chính, chè búp… giả nhãn hiệu. 

Có thể kể ra một số vụ việc như ngày 8-10, trên quốc lộ 1 qua địa bàn xã Quang Thịnh (Lạng Giang), Công an tỉnh kiểm tra xe ô tô BKS 29C-375.16 do ông Nguyễn Mạnh Hùng (Hà Nội) lái xe kiêm chủ hàng vận chuyển 2.500 kg hạt ngô đóng trong bao bì có in chữ nước ngoài. Qua đấu tranh, ông Hùng khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên nhập lậu từ Trung Quốc vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Ông Hùng bị xử phạt theo quy định của pháp luật và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trên. Cũng trên địa bàn xã Quang Thịnh, ngày 20-10 vừa qua, lực lượng chức năng kiểm tra xe ô tô BKS 98C-020.00 do ông Lê Đình Cường, quê ở xã Xuân Phú (Yên Dũng) lái xe, kiêm chủ hàng vận chuyển hơn 15 kg pháo nhập lậu.

Trước đó, cuối tháng 8 năm nay, tại khu 4, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phát hiện ông Nguyễn Văn Thành (Bắc Ninh) vận chuyển 300 kg lòng lợn nhập lậu từ Trung Quốc.

Kiểm soát chặt khâu lưu thông

Từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tiếp tục tăng mạnh, do đó hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, kém chất lượng diễn biến phức tạp. Cơ quan chuyên môn cảnh báo, nếu người tiêu dùng sử dụng phải thực phẩm bẩn, hàng giả sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể mắc bệnh nguy hiểm. Mặt khác, gia súc, gia cầm dễ bị lây lan dịch bệnh từ sản phẩm động vật nhập lậu.

Theo Cục Quản lý thị trường và Công an tỉnh, 10 tháng năm nay toàn tỉnh phát hiện khoảng 190 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, vi phạm về an toàn thực phẩm, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Các trường hợp này đã bị xử phạt theo quy định của pháp luật hàng tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước, buộc khắc phục hậu quả.

Thượng tá Đỗ Gia Hảo, Phó trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết: “Hiện nay, cùng với chỉ đạo đội nghiệp vụ tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn và xử lý kịp thời các đối tượng vận chuyển hàng hóa vi phạm trên tất cả các tuyến giao thông trong tỉnh, Phòng còn tiếp tục củng cố, mở rộng đội ngũ cộng tác viên báo tin bí mật, tố giác tội phạm. Đồng thời, khuyến khích cộng tác viên sang Trung Quốc để nắm tình hình bốc xếp hàng nhập lậu, hàng giả để báo tin, thuận tiện cho việc ngăn chặn vi phạm. Phòng tiếp tục phối hợp với lực lượng hải quan, thuế, biên phòng để kịp thời phát hiện đối tượng kinh doanh bất chính đưa hàng giả, nhập lậu vào nội địa.

Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục Quản lý thị trường tỉnh (Bộ Công thương) đã xây dựng kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát đối với một số loại hàng thiết yếu như: Rượu bia, nước giải khát, Bánh kẹo, lương thực, thực phẩm; tăng cường trao đổi thông tin với các ngành chức năng trong, ngoài tỉnh, nắm bắt các đối tượng chuyên kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng giả. Đội quản lý thị trường huyện Lạng Giang, Sơn Động, Yên Thế, Lục Ngạn ký cam kết phối hợp với các huyện giáp ranh của tỉnh Lạng Sơn để ngăn chặn hàng giả, thực phẩm bẩn.

Trong và sau Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Bắc Giang cũng tập trung phân công rõ nhiệm vụ cho các ngành thành viên, UBND các huyện, TP tăng cường thanh tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng tích cực kiểm tra điều kiện kinh doanh, hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa.

Kết luận chính thức của Bộ Công Thương: Con Cưng không buôn lậu, không bán hàng giả
Sau gần 1 tháng kiểm tra, sáng 17-8, Bộ Công Thương đã chính thức đưa ra kết luận về việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Công ty cổ phần Con Cưng.
 
Sơn Động: Tăng cường xử lý vi phạm lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
(BGĐT) - Từ đầu năm đến nay, Đội quản lý thị trường số 5 huyện Sơn Động đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại, qua đó phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính hơn 40 vụ với 40 đối tượng vi phạm. Tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 30 triệu đồng. 
 
Khởi tố vụ buôn lậu hơn 1.000 tấn đường
Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan ngày 16-3 cho biết, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Buôn lậu” xảy ra tại Công ty TNHH Minh Hiền.
 
Lại "nóng" buôn lậu pháo dịp cuối năm
(BGĐT) - Mặc dù các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ đã bị pháp luật nghiêm cấm nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm. Thời điểm này, lực lượng chức năng liên tục bắt giữ các đối tượng tàng trữ, vận chuyển pháo.
 
Ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại dịp Tết
(BGĐT) - Các cơ quan, đơn vị chức năng các cấp tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực quản lý.
 

Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...