Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhiều giải pháp phát triển thương mại điện tử

Cập nhật: 07:00 ngày 08/12/2018
(BGĐT) - Thương mại điện tử (TMĐT) không còn xa lạ với các doanh nghiệp (DN), doanh nhân và người tiêu dùng. Những giao dịch qua mạng Internet hiện nay len lỏi vào gần như mọi lĩnh vực với nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều DN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vẫn chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho TMĐT, nguy cơ chậm chân, tụt hậu là có khả năng xảy ra.

Sản xuất, kinh doanh gắn chặt với TMĐT

Công ty cổ phần Trí Việt (phường Xương Giang, TP Bắc Giang) những năm gần đây nổi lên là nhà cung cấp, thi công lắp đặt thiết bị nội thất ngày càng lớn trên địa bàn tỉnh. Chính thức thành lập năm 2013, chỉ sau 5 năm, DN đã phát triển vượt bậc, doanh thu năm 2017 đạt gần 60 tỷ đồng, năm nay ước đạt hơn 80 tỷ đồng. Nhiều khách hàng lớn tìm đến Công ty và ngược lại, DN cũng trở thành đối tác quan trọng của các nhà sản xuất uy tín. 

{keywords}

Cán bộ Sở Công Thương hỗ trợ Công ty cổ phần Trí Việt thực hiện các giao dịch thương mại điện tử.

Anh Nguyễn Văn Đệ, Giám đốc Công ty cho biết, từ năm 2015, được Sở Công Thương hỗ trợ, DN đã xây dựng website để giới thiệu sản phẩm, hướng dẫn và tư vấn, chăm sóc khách hàng. Thấy được lợi ích của TMĐT, năm 2017, Công ty tiếp tục nâng cấp trang web, hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 400 lượt khách hàng truy cập, giao dịch qua hình thức này. Các hợp đồng qua TMĐT thành công mang lại doanh thu hơn 20% cho DN. Khách hàng không chỉ trong tỉnh mà thị trường của DN đã mở rộng ra Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang…

Theo thống kê sơ bộ của Sở Công Thương, đến nay các DN trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt tỷ lệ 100%. Hạ tầng viễn thông, Internet những năm qua được đầu tư, bảo đảm cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt cho các DN, cá nhân và cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT. Các sản phẩm, ngành hàng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên không gian mạng. Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng, lợi ích của TMĐT trong sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực.

Hàng nghìn DN và cá nhân đã xây dựng được website, trang tin điện tử để thực hiện TMĐT, giúp DN tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng khả năng giao dịch. Điều này thể hiện rõ nét ở các DN liên quan nhiều đến hoạt động xuất nhập khẩu, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Khắc phục những hạn chế

Khảo sát gần đây ở một số DN cho thấy, mặc dù phát triển TMĐT là xu hướng tất yếu và ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng việc triển khai ứng dụng mới chỉ ở giai đoạn đầu, hiệu quả chưa cao, đơn cử như việc sử dụng hòm thư điện tử trong đàm phán, ký kết hợp đồng mức độ đơn giản. Số lượng DN có website TMĐT chưa nhiều, việc thực sự quan tâm đến công tác quản trị, đăng bài, nâng cấp… website ít được chú trọng.

Trong hai năm 2017 và 2018, Sở Công Thương đã tổ chức 11 lớp tập huấn kiến thức TMĐT cho hơn một nghìn học viên; hỗ trợ 42 DN xây dựng website bán hàng, bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến, đào tạo kỹ năng quản trị website TMĐT; tham mưu xây dựng phần mềm chuỗi phân phối trực tuyến hàng nông sản tỉnh Bắc Giang...

Trò chuyện với chị N.T.O, cán bộ phụ trách kỹ thuật của một DN chuyên cung cấp rau, củ, nấm sạch hoạt động trên địa bàn huyện Việt Yên được biết, có những giai đoạn, DN phải đổ bỏ, tiêu hủy hàng tạ sản phẩm do thiếu kết nối với khách hàng, không tiêu thụ được. Sau khi xảy ra những vụ việc như vậy, DN đã phải tăng cường ứng dụng TMĐT, phối hợp chặt chẽ với các siêu thị, chuỗi cửa hàng trong cả nước để bảo đảm đầu ra ổn định.

Mặt khác, nguồn nhân lực dành cho TMĐT còn nhiều hạn chế. Không ít DN chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin và TMĐT, nhất là ở các DN vừa, nhỏ. Ngay tại Công ty cổ phần Trí Việt hiện chỉ có một nhân viên phụ trách trang web, trong khi khối lượng công việc và yêu cầu của khách hàng, đơn hàng ngày càng nhiều. Công ty đã tính đến phương án tăng gấp ba lần số lượng con người và xây dựng kế hoạch nâng cấp trang web trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Tập, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu (Sở Công Thương) cho biết, ngành đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT của tỉnh giai đoạn 2016-2020, trong đó hướng đến mục tiêu triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển TMĐT; đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước và đại bộ phận các DN trong tỉnh. 

Nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN cũng như của tỉnh, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tổng kinh phí thực hiện cả giai đoạn hơn 11,6 tỷ đồng, trong đó T.Ư hỗ trợ 800 triệu đồng, kinh phí từ ngân sách tỉnh hơn 3,7 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của các DN. 

Hàng loạt giải pháp được đưa ra, bao gồm việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của TMĐT cho người dân và DN trên địa bàn tỉnh; cung cấp cho DN kiến thức pháp luật về TMĐT. Phát triển công nghệ thông tin gắn với hỗ trợ các DN đẩy mạnh ứng dụng TMĐT như thiết lập, sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền dùng riêng, hỗ trợ xây dựng website TMĐT, tham gia các sàn giao dịch TMĐT, sử dụng những công cụ kinh doanh điện tử (e-business)… Đồng thời khuyến khích DN tuyển dụng, bổ sung, kiện toàn đội ngũ nhân viên chuyên trách công nghệ thông tin, cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về TMĐT.

Quản lý thuế thương mại điện tử: Lỗ hổng chính sách còn rất lớn
Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang tăng trưởng nhanh trong mấy năm qua nhưng sự đóng góp cho ngân sách nhà nước vẫn còn hạn chế.
 
TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử
Ngày 14-3, Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM) đã công bố báo cáo chỉ số TMĐT của từng địa phương trên cả nước.
 
Thương mại điện tử: Khung pháp lý còn nhiều bất cập
(BGĐT) - Bảo vệ người tiêu dùng trong Thương mại điện tử (TMĐT) là một vấn đề nóng và được đề cập nhiều trong thời gian gần đây. Để quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ hiệu quả, ngoài ghi nhận các quyền của người tiêu dùng, còn có trách nhiệm của tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh; pháp luật về hành chính, dân sự và hình sự quy định các chế tài xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền của người tiêu dùng.
 
Tăng tốc phát triển cho thương mại điện tử - Những khó khăn cần tháo gỡ
(BGĐT) - Công nghệ phát triển không ngừng mở ra những cơ hội mới cho thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam. Tuy nhiên, để chớp được cơ hội ấy, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có thay đổi thói quen tiêu dùng, tạo ra hệ thống thanh toán, chuyển phát đáng tin cậy.
 

Quốc Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...