Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cẩn trọng nhưng không quay lưng với thịt lợn

Cập nhật: 16:12 ngày 05/04/2019
(BGĐT) - Tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp, do thiếu thông tin nên không ít người dân quay lưng với thịt lợn khiến người chăn nuôi lợn gặp khó. Trước vấn đề này, phóng viên Báo Bắc Giang đã trao đổi với ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, Phó trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh.  

Bệnh DTLCP đã xảy ra tại 23 tỉnh, TP trong cả nước, trong đó có Bắc Giang. Xin ông đánh giá khái quát về tình hình bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh?

Tính đến hết ngày 3-4, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 23 tỉnh, TP, Bắc Giang là tỉnh thứ 20 xuất hiện ổ bệnh dịch này. Sau khi công bố ổ bệnh, huyện Hiệp Hoà, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh và BCĐ tỉnh chỉ đạo các huyện, TP thực hiện tốt phương án phòng, chống bệnh DTLCP của tỉnh năm 2019. 

{keywords}

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang.

Đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, cơ sở giết mổ, điểm buôn bán thịt lợn… thực hiện nghiêm việc phòng, chống và chủ động khai báo dịch bệnh.

Do thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch, đến nay ngoài xã Hoàng Thanh, các địa phương trong tỉnh chưa có nơi nào phát hiện có DTLCP, giảm thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi.

Bệnh DTLCP ảnh hưởng đến việc tiêu thụ và lưu thông lợn trên địa bàn tỉnh thế nào, thưa ông?

Khi bệnh DTLCP xuất hiện, do thiếu thông tin nên một bộ phận người dân bỏ dùng thịt lợn, ảnh hưởng xấu tới việc tiêu thụ và chăn nuôi lợn nói chung. Trong tỉnh, riêng xã Hoàng Thanh thực hiện nghiêm việc lưu thông tiêu thụ thịt lợn trong nội bộ xã. Các địa phương khác vẫn tiêu thụ và sử dụng thịt lợn bình thường đối với lợn sống và thịt lợn rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có biểu hiện lâm sàng của dịch bệnh. 

Tuy nhiên, lợn của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ được bán nội tỉnh phải có xác nhận của thú y cơ sở và chính quyền địa phương. Lợn xuất ngoại tỉnh cần có xác nhận kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh đã tập huấn nhận biết, phòng, chống bệnh DTLCP cho gần 4,7 nghìn lượt người; các địa phương tổ chức cho 62,26 nghìn hộ, cơ sở chăn nuôi thực hiện ký cam kết phòng, chống bệnh DTLCP...

Do làm tốt khâu tuyên truyền và kiểm dịch nên việc tiêu thụ lợn trên địa bàn tỉnh diễn ra tương đối thuận lợi. Hiện nay việc tiêu thụ thịt lợn tại các chợ trên địa bàn tỉnh đã dần trở lại bình thường. 

Mỗi tuần có hơn 25 nghìn lợn được xuất bán và hơn 20 nghìn tấn thịt lợn đủ tiêu chuẩn từ Bắc Giang cung ứng ra thị trường ngoài tỉnh. Giá lợn hơi cũng đang tiếp tục tăng, dao động từ 36 đến 40 nghìn đồng/kg (tăng khoảng 5.000 đ/kg).

Ngành nông nghiệp đã làm gì để vừa ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, vừa tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi?

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với BCĐ phòng chống dịch các huyện, TP tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt chú trọng công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. 

Huy động tối đa lực lượng cán bộ thú y cơ sở rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn lợn để kịp thời phát hiện, xử lý khi có lợn nghi mắc bệnh. Sở hỗ trợ thêm 20 nghìn lít hóa chất cho các địa phương vệ sinh tiêu độc, khử trùng; mua máy phun hóa chất và các vật tư phòng chống dịch; tập huấn nhận biết, phòng, chống bệnh DTLCP cho gần 4,7 nghìn lượt người; các địa phương tổ chức cho 62,26 nghìn hộ, cơ sở chăn nuôi thực hiện ký cam kết phòng, chống bệnh DTLCP...

Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh tiêu thụ lợn; tập trung cao tuyên truyền để mọi người hiểu rõ và sử dụng thịt lợn bình thường. Ngành nông nghiệp đã ban hành hướng dẫn thủ tục cần cho tiêu thụ động vật đến tuổi xuất bán. Cử 100% thú y viên tới các địa phương trực tiếp kê khai kiểm dịch để lợn được thông thương. 

Tăng cường kiểm soát vận chuyển, quản lý giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm từ lợn, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Rà soát các cơ sở giết mổ động vật trên địa bàn, yêu cầu các cơ sở, điểm giết mổ ký cam kết thực hiện các quy định phòng, chống dịch…

Những hạn chế trong phòng, chống dịch hiện nay thế nào, thưa ông?

Trở ngại lớn nhất hiện nay là chưa có vắc - xin phòng bệnh, chỉ tập trung thực hiện các biện pháp bao vây, khoanh vùng ổ dịch, tiêu hủy lợn khi mắc bệnh; thời gian phòng, chống dịch kéo dài. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn chủ quan, lơ là. Nhiều chốt kiểm soát vận chuyển động vật đặt ở các vị trí chưa hợp lý, thiếu người trực thường xuyên, thiếu trang thiết bị thú y, bảo hộ lao động...

Nhiều nơi vẫn còn hiện tượng vứt xác lợn chết ra môi trường, chưa quản lý được các hộ giết mổ nhỏ lẻ và hoạt động của thương lái thu gom lợn, trong đó có việc mua bán lợn ốm, chết. Nguồn nhân lực của hệ thống thú y tuyến huyện, xã mới có sự chuyển đổi sắp xếp nên ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

{keywords}

Các phương tiện, thương lái đến chờ thu mua lợn tại trang trại của bà Nguyễn Thị Duyên, thôn 3, xã Việt Tiến (Việt Yên).

Ông có đề xuất, khuyến nghị gì để chăn nuôi lợn phát triển ổn định trong thời gian tới?

Để chăn nuôi lợn phát triển ổn định, tôi đề nghị: Cục Thú y hằng ngày thông tin về tình hình dịch bệnh tại các tỉnh, TP trong cả nước để các tỉnh nắm được; Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ tỉnh Bắc Giang hóa chất tiêu độc, khử trùng.

Về phía tỉnh, đề nghị xem xét tạm thời dừng sắp xếp đội ngũ thú y xã trong thời gian phòng, chống dịch. Đối với người chăn nuôi cần bình tĩnh, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại gia đình, chủ động khai báo dịch bệnh để được hỗ trợ kịp thời. 

Chăm sóc nuôi dưỡng tốt đàn lợn nái, lợn giống nhằm chủ động đáp ứng nhu cầu con giống tái đàn sau khi công bố hết dịch. Đối với người tiêu dùng, không quay lưng với thịt lợn, bởi bệnh DTLCP không lây sang người. 

Mọi người hãy thực hiện ăn chín, uống sôi để vừa bảo đảm dinh dưỡng vừa an toàn cho sức khoẻ, góp phần tích cực thúc đẩy sản xuất chăn nuôi tỉnh nhà phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Vượt khó, bám chốt kiểm dịch
(BGĐT)- Đó là chia sẻ của anh Ngọc Xuân Trường, tổ trưởng Tổ kiểm soát vận chuyển động vật số 4 (chốt kiểm soát số 4), thôn Tân Lập, xã Tuấn Mậu, Sơn Động (Bắc Giang) - nơi anh đang cùng các tổ viên ngày đêm căng mình thực hiện nhiệm vụ ngăn không để mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vào địa bàn huyện.
 
Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi vùng giáp ranh: Nơi sát sao, chỗ lơ là
(BGĐT) - Bắc Giang "kẹt" giữa 6 tỉnh, TP có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương và TP Hà Nội. Trước nguy cơ cao có thể bị bệnh dịch xâm nhiễm, bên cạnh nhiều địa phương trong tỉnh thuộc địa bàn giáp ranh với vùng dịch đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch thì vẫn có nơi còn xao nhãng, lơ là.  
 
Không để đàn vật nuôi của Bắc Giang lây nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi
(BGĐT)- Ngày 21-3, đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến đột xuất kiểm điểm công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Cùng dự có các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống bệnh dịch động vật cấp tỉnh và 10 điểm cầu ở các huyện, TP.
 
Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Nghiêm ngặt phòng dịch, trang trại lợn “sống khỏe”
(BGĐT) - Trong khi bệnh dịch tả lợn châu Phi bủa vây, “nóng” lên từng ngày thì những trang trại thực hiện nghiêm ngặt an toàn dịch bệnh vẫn chăn nuôi và xuất bán sản phẩm ổn định. Đây là hướng đi mà nhiều cơ sở lựa chọn để sản xuất bền vững.
 

Thế Đại (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...