Thứ tư, 01/05/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cần biện pháp mạnh để chấm dứt việc phá, lấn đất rừng ở Đèo Gia

Cập nhật: 18:53 ngày 09/10/2019
(BGĐT)- Báo Bắc Giang ngày 6-10 đưa tin, những ngày qua, trên địa bàn thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) liên tục xảy ra tình trạng người dân phát, phá rừng tự nhiên thuộc quyền quản lý, bảo vệ của Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt (Công ty Thiên Lâm Đạt). 
{keywords}

Kiểm lâm địa bàn Tân Lập và thành viên tổ bảo vệ rừng của Công ty Thiên Lâm Đạt bên một cây dẻ mới bị đốn hạ.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công ty Thiên Lâm Đạt đã phối hợp với UBND xã Đèo Gia, Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn tăng cường bảo vệ, canh giữ hiện trường không cho kẻ xấu tiếp tục phát, phá rừng và phòng ngừa hỏa hoạn.

Theo ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Đèo Gia, địa phương đã cắt cử 3 người thuộc UBND xã phối hợp cùng tổ bảo vệ 10 người của Công ty Thiên Lâm Đạt và 3 kiểm lâm địa bàn Tân Lập, thuộc Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng.

Ông Vũ Xuân Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thiên Lâm Đạt cho biết, để bảo vệ lâu dài diện tích rừng được tỉnh giao quản lý, sử dụng (trong đó có các diện tích rừng đang bị người dân phá, chiếm), Công ty đã đề nghị các cơ quan chức năng cho thuê 3 nghìn m2 đất xây dựng Khu nhà văn phòng, điều hành, quản lý và vườn ươm cây lâm nghiệp phục vụ dự án Đầu tư trồng rừng sản xuất và sử dụng rừng bền vững tại xã Đèo Gia. 

Khu đất này hiện do Ban Quản lý dự án cụm công trình thủy lợi Hàm Rồng (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) thu hồi để thực hiện dự án Cụm công trình thủy lợi Hàm Rồng.    

{keywords}

Nhiều cây gỗ vừa bị cắt nằm ngổn ngang.

Sau khi tiếp nhận, xem xét hồ sơ đề nghị của Công ty Thiên Lâm Đạt, chiều 8-10, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì cuộc họp với các sở, đơn vị liên quan, thống nhất đề nghị Ban Quản lý dự án cụm công trình thủy lợi Hàm Rồng có văn bản báo cáo UBND tỉnh để bàn giao toàn bộ 3 nghìn m2 đất không có nhu cầu sử dụng về cho UBND huyện Lục Ngạn làm cơ sở xem xét, báo cáo UBND tỉnh giao cho Công ty Thiên Lâm Đạt. 

Trong khi chính quyền địa phương cùng các sở, ngành, Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn, Công ty Thiên Lâm Đạt đang tìm biện pháp tháo gỡ và tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng thì việc phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra một cách táo tợn hơn.

{keywords}

Tổ tuần tra nghỉ chân ngay trên một cây gỗ lớn vừa bị cắt.

Sáng 9-10, Kiểm lâm địa bàn Tân Lập cùng các thành viên tổ bảo vệ rừng của Công ty Thiên Lâm Đạt tới vị trí bị phát luỗng tại tiểu khu 69, khoảnh 19 cách đây vài ngày để kiểm tra. Tại đây, phát hiện nhiều cây gỗ tạp, dẻ đường kính từ vài chục đến gần 50cm bị đốn hạ. 

Nhiều thân cây bị cắt dời từng khúc nằm ngổn ngang. Anh Nam Giang, Ban nguyên liệu của Công ty Thiên Lâm Đạt, thành viên tổ công tác nhận định, những cây gỗ này mới bị cắt trong sáng sớm hôm nay, bởi cành lá vẫn còn tươi nguyên. 

Trước sự việc trên, đại diện lãnh đạo Công ty cho biết, trước đó, tháng 5 vừa rồi, Công ty đã có công văn (trong đó nêu danh sách 10 cá nhân sinh sống tại thôn Đèo Gia đã phát, phá, chiếm đất rừng của Công ty) gửi đến UBND xã Đèo Gia và Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn để 2 cơ quan này xem xét, giải quyết. 

UBND xã Đèo Gia đã mời 10 cá nhân liên quan lên làm việc nhưng chỉ có 2 người chấp hành. Đại diện chính quyền xã đã nhắc nhở các đối tượng và yêu cầu ký cam kết không phá rừng, đồng thời hoàn lại toàn bộ diện tích đã phát, phá, lấn chiếm. Các cá nhân còn lại vẫn không thực hiện yêu cầu của UBND xã Đèo Gia nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý hay nhắc nhở. 

{keywords}

Rừng Đèo Gia ngày càng nghèo kiệt vì bị phát luỗng.

Thực tế đó khiến nhiều người dân thôn Đèo Gia vẫn tiến hành phá, lấn đất rừng với những thủ đoạn tinh vi hơn. 

Theo thống kê của Công ty Thiên Lâm Đạt, hiện có 12 hộ dân ở thôn Đèo Gia lấn chiếm đất của Công ty với tổng diện tích 11,9ha. “Đến nay, Công ty chúng tôi vẫn chưa thu hồi lại được diện tích đất này, trong khi rừng vẫn tiếp tục bị phá mà chưa người dân nào trong danh sách chúng tôi gửi lên UBND xã Đèo Gia và Hạt Kiểm lâm Lục Ngạn bị xử lý”, ông Toàn nói.

Ông Đồng Xuân Thanh, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang cho hay: Hiện tượng phát luỗng rừng tự nhiên hiện chưa có chế tài xử lý; chỉ khi phá rừng mới bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Theo đó, nếu phá diện tích dưới 5 nghìn m2 thì bị xử lý hành chính, phá với diện tích từ 5 nghìn m2 trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Thực tế việc phát, phá, lấn chiếm đất rừng đang diễn ra khá gay gắt tại địa bàn xã Đèo Gia từ nhiều năm qua. Đòi hỏi chính quyền các cấp của Lục Ngạn và ngành chức năng cần có biện pháp tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ việc làm sai trái. Thậm chí mật phục, bắt quả tang để đưa những kẻ phá, lấn chiếm rừng ra trước ánh sáng của pháp luật.

Lợi dụng phát luỗng, phá rừng tự nhiên
(BGĐT) - Thời gian gần đây, công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR) trong tỉnh Bắc Giang có chuyển biến tích cực, số vụ cháy, phá rừng tự nhiên giảm. Dù vậy, tại một số địa phương vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra đốt, phá rừng tự nhiên.
Tập trung bảo vệ rừng tự nhiên, xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng
(BGĐT)- Ngày 18-12, đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh chủ trì hội nghị sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 249-NQ/TU ngày 1-11-2017 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh; tổng kết công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR&PCCCR) mùa khô 2017-2018; triển khai nhiệm vụ năm 2019.
Phá rừng tự nhiên tại huyện Sơn Động
(BGĐT) - Khoảng 11 giờ ngày 27-1, Công an xã Yên Định (Sơn Động) đã phát hiện một số đối tượng đang có hành vi khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực rừng Nghè, thôn Đồng Chu và báo lên cấp trên. 
Rừng tự nhiên Đèo Gia lại bị xâm hại
(BGĐT)-Trong thời gian gần đây (khoảng từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10-2019), trên địa bàn thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) xảy ra tình trạng người dân địa phương phát, phá rừng tự nhiên. Diện tích rừng này hiện thuộc quyền quản lý, bảo vệ của Công ty cổ phần Thiên Lâm Đạt (Công ty Thiên Lâm Đạt). 
Nhóm PVKT
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...