Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 22 °C / 23 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Với Đảng vẹn tròn lòng tin yêu

Cập nhật: 07:00 ngày 29/06/2019
(BGĐT) - 17 năm sau ngày đầu tiên đi học tìm hiểu về Đảng, học lại lần nữa, ông mới vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, khi đã ngoài 40 tuổi. Giờ đây, ở tuổi 75, ông có 33 năm tuổi Đảng và chưa một lúc nào, trong ông phai nhạt đi niềm tin yêu với Đảng. Ông là Nguyễn Văn Phả - sinh năm 1944, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) hiện sinh sống tại Phố Mới, thị trấn Cao Thượng, Tân Yên.

17 năm phấn đấu để được vào Đảng

Cả đời công tác, sinh cơ lập nghiệp và kể cả lúc nghỉ ngơi tuổi già gắn bó với mảnh đất Tân Yên nhưng thực ra quê ông lại ở làng Hạ, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên. 

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Phả giới thiệu về đền mẫu Vân Sơn (thị trấn Cao Thượng, Tân Yên).

Kể về cơ duyên với đất Cầu Vồng, ông bảo: “Tôi học ở Trường Trung cấp Nông- Lâm trung ương (tiền thân Trường Đại học Nông- Lâm Bắc Giang hiện nay- PV), sau học lên đại học, làm kỹ sư nông nghiệp và được giữ lại trường làm giảng viên thực hành. 

Năm 1970, khi tham gia Đoàn chỉ đạo sản xuất của Bộ Nông nghiệp về xã Trung Sơn, Việt Yên, thấy tôi có kinh nghiệm thực tế, gắn bó với đồng ruộng, tổ chức gợi ý tôi về huyện Tân Yên làm cán bộ tăng cường. Chả nghĩ ngợi gì cả, tôi đồng ý luôn và gắn bó với đất và người nơi này đến bây giờ”.

Làm cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện từ năm 1972, lúc bấy giờ, ông nổi lên là cán bộ trẻ, xông xáo, nhiệt huyết và có trình độ. Không một cánh đồng nào ở Tân Yên là ông không đặt chân tới, cây con gì là thế mạnh của từng xóm xã, ông đều nắm rõ. Năm 1985, ông được bổ nhiệm làm Trạm trưởng Trạm Giống cây trồng Tân Yên.

Có một điều mà suốt quãng thời gian này ông luôn đau đáu, đó là dù bản thân cố gắng phấn đấu rất nhiều nhưng chưa một lần, ông được chi bộ Đảng đề cập đến chuyện vào Đảng. Ngay cả chuyện ông làm Trạm trưởng khi chưa là đảng viên cũng là hiếm, đặc biệt hiếm lúc bấy giờ.

“Thực sự thì lúc ấy ông có nản không vì phấn đấu mãi chưa được kết nạp Đảng, mà tuổi thì không còn trẻ?” Thấy tôi hỏi vậy, ông tâm sự rất thật, rằng tới bây giờ, ông vẫn kính trọng và biết ơn ông Nguyễn Đình Lan- Chủ tịch UBND huyện Tân Yên lúc bấy giờ đã mạnh dạn tin tưởng và bổ nhiệm ông làm Trạm trưởng khi chưa phải là đảng viên. Chính vì sự tin yêu của cấp trên khiến ông thấy mình càng phải cố gắng và có thêm động lực, niềm tin yêu với Đảng, tiếp tục cống hiến để được ghi nhận.

Tìm hiểu thêm, ông được biết về sự chậm trễ này. Phần vì cấp ủy lúc bấy giờ chưa có sự quan tâm tới công tác tạo nguồn phát triển Đảng, phần vì lý lịch gia đình ông có thời gian chưa được mọi người hiểu đúng mực. 

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Phả.

Đến khi anh trai của ông, vợ ông được kết nạp Đảng; bản thân ông luôn tha thiết với Đảng nên cuối năm 1986, niềm vui, niềm vinh dự đã tới, ông chính thức được đọc lời tuyên thệ dưới lá cờ Đảng, khi tuổi đã hơn 42. Vậy là sau 17 năm từ ngày học lớp cảm tình Đảng đầu tiên ở Trường Đại học Nông- Lâm Bắc Giang, học tiếp một lớp ở huyện, ông mới có được vinh dự này.

Có lẽ vì sự chờ đợi này khiến khí chất người cộng sản trong ông càng thêm vững vàng và càng khẳng định niềm tin yêu đặc biệt của ông với Đảng. Ông lao vào công việc, hăng say, tận tụy với mọi nhiệm vụ và vinh dự tới với ông lần nữa, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên tháng 12-1989, ngay sau ba năm kết nạp Đảng.

Hơn 15 năm làm Phó Chủ tịch UBND huyện, hai khóa làm đại biểu HĐND huyện, người ta vẫn nhắc tới ông như một nông dân chính hiệu, một con người của công việc. Ông có may mắn được phân công chuyên về mảng kinh tế, phụ trách nông nghiệp lại đúng vào giai đoạn đổi mới nên ông để lại nhiều dấu ấn cho tới bây giờ. 

Huyện Tân Yên hiện nay nổi tiếng khắp cả nước với vùng vải sớm Phúc Hòa, vùng lạc giống Cao Thượng đều có sự đặt nền móng, quy hoạch, mở rộng diện tích, tầm nhìn của ông. Chưa kể đến từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ông đã chú trọng tới việc làm đường giao thông nông thôn, bê tông hóa đường làng theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đưa Tân Yên trở thành điểm sáng lúc bấy giờ…

Làm gì có ý nghĩa cho đời thì cố làm

Nghỉ hưu tháng 1-2005, duyên nợ thế nào, gần 20 năm nay, ông lại say sưa với việc làm văn hóa. Ông bảo, văn hóa là thứ còn mãi nên nếu làm được việc gì có ý nghĩa cho đời thì khó đến mấy, ông cũng cố làm.

Ông có niềm đam mê đặc biệt với các cây di sản. Có lẽ từ thời làm kỹ sư nông nghiệp, được đi nhiều nơi, biết nhiều cây nên khi nghỉ hưu, ông mày mò thu thập thêm thông tin tìm hiểu về lịch sử, giá trị của các cây cổ để đề nghị công nhận cây di sản. 

Cả một đời phấn đấu theo Đảng, ông bảo chưa một lúc nào, trong ông không có niềm tin yêu mãnh liệt với Đảng. Chính vì thế, ông tự hào vì cả nhà ông (vợ chồng, con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu ngoại), tất cả đều là đảng viên.

Với ông, cái cây không chỉ đơn thuần là cái cây mà nó còn có giá trị về văn hóa, cảnh quan môi trường và mang ý nghĩa tâm linh. Ông đã tự nghiên cứu, bỏ tiền túi ra khắc bia, chụp ảnh, lập hồ sơ gửi ra Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 9 cây ở Bắc Giang và Bắc Ninh là Cây Di sản.

Trò chuyện với tôi, ông say sưa kể về cây lim Mỏ Thổ (Minh Đức, Việt Yên) 700 năm tuổi; cây vối, cây đa ở chùa Bổ Đà xanh tươi đến lạ kỳ; cây thị ở Đình Vồng (xã Song Vân, Tân Yên) quả sai trĩu trịt; cây xanh ở Trung Sơn linh thiêng bên ngôi miếu cổ…Từ cây di sản, ông được nhân dân tín nhiệm, “đặt hàng” viết câu đối cho cổng làng, các đình, chùa… Câu đối của ông mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, lịch sử nên được nhiều nơi khắc bảng vàng treo trang trọng.

Như là cơ duyên, khi làm Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách xã Song Vân (năm 2002), ông thấy người dân tha thiết muốn được tu sửa lại Đình Vồng để làm nơi thờ tự, sinh hoạt văn hóa chung. 

Kinh phí không có, xã chỉ cân đối được 200 triệu đồng; chẳng ngại điều tiếng “lấn sân” từ phụ trách kinh tế sang văn hóa, ông đứng ra xã hội hóa, kêu gọi người dân và các nhà hảo tâm công đức. Bằng cái tâm của mình, ông đã cùng bà con địa phương tu sửa lại Đình Vồng khang trang với số tiền hơn 700 triệu đồng.

Sau này, khi nghỉ hưu, từ uy tín bản thân, ông tiếp tục làm Trưởng ban vận động xây dựng đền mẫu Vân Sơn (thị trấn Cao Thượng, Tân Yên) và hiện đang cùng nhân dân địa phương tu sửa chùa làng Hạ (xã Thượng Lan, Việt Yên). Ông bảo, muốn được người dân đồng thuận thì phải làm bằng cái tâm, minh bạch, trách nhiệm và ngay như ông, dù lương hưu không nhiều, ông luôn gương mẫu đi đầu, ủng hộ đầu tiên để tạo phong trào.

Ở Tân Yên bây giờ phong trào cầu lông phát triển khá mạnh, từ trong nhà ra tới thôn, xóm. Hiện cả huyện có 42 sân cầu lông trong nhà, 63 CLB với hàng nghìn người tham gia. Có được điều đó, người ta nhắc nhiều tới công của ông. Ông có 25 năm làm Chủ tịch Hội cầu lông huyện (1993-2017). 

Bản thân ông, dù đã ở tuổi 75 nhưng vẫn dẻo tay cầu, không chiều nào ông không chơi, làm gương cho lớp trẻ. Hay như giữa thị trấn Cao Thượng, đất đai đắt đỏ như vậy nhưng ông đề xuất và được cấp hơn 1.000m2 đất xây dựng Nhà văn hóa. 

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Phả (thứ hai từ phải sang) ủng hộ 3,5 vạn gạch xây chùa làng Hạ, xã Thượng Lan, Việt Yên.

Có đất, ông tiếp tục được dân bầu làm Trưởng ban vận động, huy động gần 700 triệu đồng cùng địa phương xây dựng công trình. Giờ đây, nhà ai có việc vào đó tổ chức, chiều đến bà con đến chơi thể thao, tối tập văn nghệ, thể dục, ai nấy đều phấn khởi.

Hạnh phúc giản đơn

Ở tuổi 75, trời vẫn phú cho ông sức khỏe dẻo dai và trí nhớ tuyệt vời. Hằng ngày, ông vẫn đọc báo Đảng, xem thời sự để cập nhật, nắm bắt thông tin. Cả một đời phấn đấu theo Đảng, ông bảo chưa một lúc nào, trong ông không có niềm tin yêu mãnh liệt với Đảng. 

Chính vì thế, ông tự hào vì cả nhà ông: Vợ chồng, con trai, con gái, dâu rể, tất cả đều là đảng viên. Đến cháu ngoại ông cũng là đảng viên, giảng viên Học viện Chính trị Công an Nhân dân.

Đi làm được mọi người kính trọng, nghỉ ngơi tuổi già được nhân dân tin yêu, con cháu, gia đình hòa thuận, đó là hạnh phúc nhất của đời ông, hơn bất kỳ huân huy chương, phần thưởng nào khác. Với ông, còn sức khỏe là ông vẫn còn cống hiến cho đời, vì đơn giản, đó là hạnh phúc.

Đảng viên nêu gương xây dựng nông thôn mới
(BGĐT)- Phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở, nhiều chi bộ nông thôn đã ban hành nghị quyết chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới. Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, tinh thần nêu gương của đảng viên và sự đồng lòng của người dân, làng quê huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đang đổi mới từng ngày.
100 đảng viên được trao Huy hiệu Đảng
(BGĐT) - Nhân kỷ niệm 129  năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5 (1890-2019), huyện Việt Yên có 100 đảng viên được trao Huy hiệu Đảng. 
Xây dựng Đảng thật trong sạch, vững mạnh
(BGĐT) - Năm 2019, chúng ta kỷ niệm nửa thế kỷ Bác mất, cũng là nửa thế kỷ thực hiện những điều căn dặn cuối cùng của Bác trong bản Di chúc linh thiêng mà Người để lại. Vĩnh biệt Bác, Đảng ta và toàn dân tộc đã có 5 lời thề trước anh linh của Người tại lễ truy điệu trọng thể sáng 9-9-1969 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử 50 năm về trước, ta không thể nào quên.
Kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng: Mùa xuân, ước vọng và niềm tin
Cách đây 89 năm, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu một bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng nước ta, một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc.

Thu Hương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...