Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sinh viên y khoa Nguyễn Thị Thu Thảo: Hành trình tìm lại gương mặt

Cập nhật: 07:28 ngày 28/12/2019
(BGĐT) - Ăn uống khó khăn, nói cười cũng khó vì cơ mặt co cứng, tuổi thơ của Nguyễn Thị Thu Thảo ở xã Canh Nậu, huyện Yên Thế (Bắc Giang) trôi qua đầy buồn tủi với bao lần ôm mặt khóc chạy về nhà. Còn giờ đây, Thảo đã trở thành sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội năng động, tự tin, tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện.

Không muốn là "ốc sên"

Sáng Chủ nhật một ngày cuối năm, cô sinh viên quê Bắc Giang hiện học năm thứ 2 Khoa Y khoa thức dậy sớm. Sau khi tập thể dục nhẹ nhàng, ăn sáng đơn giản, em khoác ba lô lên vai để tham gia hoạt động xã hội cùng các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo của Trường Đại học Y Hà Nội. 

{keywords}

Nguyễn Thị Thu Thảo vận động sinh viên tham gia hiến máu tình nguyện.

Hai năm qua, các bạn trong Khoa và CLB vẫn thấy Thảo dù bị khiếm khuyết trên gương mặt mà vẫn tích cực hoạt động phong trào nhưng ít ai biết khi mới chào đời em có gương mặt bụ bẫm, xinh xắn như bao đứa trẻ khác. Một biến cố đã xảy ra khiến gương mặt của em biến dạng, phải chịu biết bao thiệt thòi.

Khi mới hai tháng tuổi, chị Vũ Thị Tuyên - mẹ của Thảo phát hiện gần khóe môi của con xuất hiện vết mụn bất thường, đi khám bác sĩ kết luận là u máu cần phải can thiệp sớm. Trớ trêu thay, trong quá trình điều trị xảy ra biến chứng khiến nhiều phần cơ trên gương mặt bị hoại tử, các bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ mới giữ được tính mạng cho em. 

Tôi gợi hỏi về chuyện xảy ra với gia đình gần 20 năm trước, mẹ của em lặng đi hồi lâu rồi nói: “Tôi quên sao được những ngày tháng ôm con điều trị ở Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt T.Ư (chính xác là 2 tháng 1 ngày). Cả gia đình vay mượn khắp nơi và nhờ các bác sĩ giỏi cứu chữa nhưng cuối cùng mũi và miệng của con vẫn không trở lại bình thường. Nhìn con mới 4 tháng tuổi khóc ngằn ngặt vì đau, vì khát sữa mà không thể bú mẹ, lòng tôi đau như cắt".

Biết bao lần hy vọng rồi lại thất vọng, người mẹ trẻ tưởng như không còn nước mắt để khóc vì thương con. Năm lên 2 tuổi, Thảo được một tổ chức phi chính phủ tài trợ kinh phí sang Đức phẫu thuật. 

Dù đã cải thiện được phần nào nhưng cơ mặt em vẫn bị kéo căng, nhiều vết sẹo sâu, kéo dài trên mặt khiến khó ăn, khó nói cười. Đi đâu, làm gì cô bé cũng mặc cảm, tự ti bởi những ánh nhìn kỳ thị, lời xì xào, bàn tán về "người mặt ma”, "yêu quái" của mọi người. 

Một mong ước nhỏ nhoi là được nói cười hồn nhiên cũng không thể. Đã bao lần em tự nhốt mình trong phòng, sống xa lánh mọi người như con ốc sên thu mình trong vỏ cứng nhưng làm vậy lại càng khiến cuộc sống bế tắc hơn.

Dần dần, khi đã lớn hơn và hiểu chuyện, nhất là chứng kiến nỗi lo toan vất vả của bố mẹ, Thảo không còn mặc cảm với khiếm khuyết của mình. Gạt qua những lời nói không hay, em quyết tâm học tập thật tốt để hy vọng cuộc sống sẽ thay đổi. Suốt những năm học phổ thông, ngoài lúc ở nhà phụ giúp bố mẹ, hầu hết thời gian Thảo dành cho việc học. 

{keywords}

Nguyễn Thị Thu Thảo.

Nhờ sự giúp đỡ của thầy cô giáo và các bạn, những cố gắng của em cuối cùng được đền đáp bằng kết quả xứng đáng: 12 năm liền đạt học sinh giỏi toàn diện; lớp 12 đạt giải Nhì môn Sinh học trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh. 

Tại kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học năm 2018, Thảo trúng tuyển vào Trường Đại học Y Hà Nội với 24,3 điểm chưa tính ưu tiên. Nói về học trò cũ, cô giáo Phan Thúy Hà, Phó hiệu trưởng Trường THPT Yên Thế nhận xét: "Thảo thiệt thòi hơn so với các bạn cùng trang lứa,em đã cố gắng rất nhiều để vượt qua hàng nghìn thí sinh khác đỗ vào trường đại học tốp đầu của cả nước về ngành y".

Ước mơ một gương mặt bình thường

Sân Trường Đại học Y Hà Nội ngập tràn những tia nắng xuân ấm áp, Thu Thảo cùng các bạn khoác trên mình chiếc áo đồng phục màu đỏ tươi có dòng chữ: “Tuổi trẻ nghĩ lớn”. 

Các bạn trẻ đang chăm chú luyện tập những tiết mục văn nghệ sôi động nhằm truyền đi thông điệp hiến máu cứu người - nghĩa cử cao đẹp tới cộng đồng. Không ngần ngại giấu khiếm khuyết trên gương mặt, thời gian qua, em cùng các bạn tổ chức hàng chục buổi truyền thông vận động hiến máu tình nguyện. 

Địa bàn vận động có thể ở ngay trong khuôn viên trường học, cũng có khi là các điểm đỗ xe buýt, bến xe ở TP Hà Nội. Bản thân dù huyết áp thấp nhưng hễ tới đợt vận động nào, Thảo cũng mạnh dạn đăng ký với hy vọng được hiến tặng giọt máu của mình giúp cho người khó khăn hơn.

Tranh thủ lúc CLB giải lao, tôi có dịp trò chuyện với anh Nguyễn Quốc Trung, Chủ nhiệm CLB Thanh niên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo Trường Đại học Y Hà Nội được biết, CLB hiện có hơn 100 sinh viên tham gia và Thảo là một trong những hạt nhân tích cực. 

Có lẽ do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại chịu nhiều thiệt thòi từ nhỏ nên hơn ai hết Thảo thấu hiểu, đồng cảm với những khó khăn của người nghèo đang hằng ngày chống chọi với bệnh tật.

ít ai biết khi mới chào đời, Thảo có gương mặt bụ bẫm, xinh xắn như bao đứa trẻ khác. Một biến cố xảy ra khiến khuôn mặt của em biến dạng, phải chịu biết bao thiệt thòi. Khi đã lớn hơn và hiểu chuyện, nhất là chứng kiến nỗi lo toan vất vả của bố mẹ, Thảo không còn mặc cảm với khiếm khuyết của mình. Em quyết tâm học tập thật tốt để hy vọng cuộc sống sẽ thay đổi.

Luôn tin rằng mọi hành động nếu xuất phát từ tình cảm chân thành sẽ nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng nên dù bận mấy cô gái quê Bắc Giang cũng sắp xếp thời gian tham gia với CLB. Cũng theo anh Trung, sự góp mặt của Thảo hai năm qua đã giúp CLB thành công hơn trong các hoạt động. 

Tại ngày hội vận động hiến máu tình nguyện diễn ra cuối tháng 11 vừa qua, CLB đã giúp cơ quan chuyên môn thu được 795 đơn vị máu an toàn chuyển về Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư để phục vụ công tác cấp cứu. 

Cũng trong năm 2019, Thảo còn tích cực tham gia một số hoạt động bề nổi khác như: Biểu diễn văn nghệ tại Gala “Đồng đội - 25 năm trái tim cùng nhịp đập” kỷ niệm 25 năm thành lập CLB Thanh niên tình nguyện hiến máu nhân đạo của trường; cùng gần 1 nghìn bạn trẻ tham gia cổ động, nhảy flashmob nhân kỷ niệm 117 năm thành lập Trường Đại học Y Hà Nội (1902-2019).

Sau buổi sáng chờ đợi, chúng tôi có thời gian gặp nhau như đã hẹn. Trước mặt tôi là cô sinh viên có dáng người nhỏ nhắn, trắng trẻo ăn mặc giản dị nhưng nhanh nhẹn. "Mọi người vẫn nói: Con gái mà học ngành y phải hy sinh nhiều lắm bởi thời gian học kéo dài đến 6 năm, kiến thức nhiều rồi phải đi thực tập, trực đêm ở bệnh viện nhưng em thấy hạnh phúc khi chọn con đường này và sẽ cố gắng để trở thành bác sĩ trong tương lai" - Thảo tâm sự.

Trò chuyện với em, tôi tin rằng nếu không có biến cố năm ấy thì giờ đây Thu Thảo có lẽ sẽ là cô thiếu nữ có gương mặt thanh tú. 

Qua người thân trong gia đình và bạn bè được biết, giữa năm 2019, em làm hồ sơ đăng ký tham gia chương trình “Tái sinh nhan sắc” nhưng bị từ chối bởi chi phí phẫu thuật quá lớn (khoảng 500 triệu đồng). Cô sinh viên đang trăn trở vì từ năm sau bắt đầu thực tập tại các bệnh viện. 

Lo lắng khuôn mặt dị tật của mình sẽ là trở ngại khi gặp gỡ, tiếp xúc với bệnh nhân, Thảo đang mong chờ có phép màu mang đến cho em cơ hội phẫu thuật để cải thiện phần nào khiếm khuyết. 

Tôi hiểu đó là ước mơ lớn của một cô sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn bởi ở quê nhà chỉ có mấy sào ruộng, bố mẹ em phải tranh thủ đi làm thuê nuôi em và em gái đang học phổ thông. Để đạt được mong ước, Thảo rất cần sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.

Chúng tôi chia tay sớm hơn dự kiến bởi buổi chiều hôm đó Thảo có kế hoạch lên thư viện ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Tôi thầm chúc cho mong ước của em sớm thành hiện thực và hy vọng có dịp gặp lại vẫn thấy một Thu Thảo trẻ trung, năng động, sống vì mọi người.

Vóc dáng mới Lạng Giang
(BGĐT) - Mới đây tôi có dịp trở lại huyện Lạng Giang (Bắc Giang), nơi trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ tôi từng đóng quân. Những ngày cuối năm, từ thị trấn Vôi đến các xã trong huyện, khí thế thật tưng bừng. Ở đâu tôi cũng thấy cờ đỏ bay trong nắng vàng hanh. Càng vui hơn khi được biết 100% đơn vị hành chính của huyện (gồm 2 thị trấn và 21 xã) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). 
Bắc Hoa- Quê đẹp, người hiền
(BGĐT) - Tiếng gà gáy ở thôn Bắc Hoa, thuộc xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn nghe thấy. Đến nơi ấy đường xa nhưng dễ đi. Nơi ấy cảnh đẹp, người hiền... 
Những người tâm huyết việc làng
(BGĐT) - Năng động, nhiệt tình, không ngại vất vả, nhiều cán bộ thôn, bản vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang luôn tâm huyết lo việc chung, nêu cao trách nhiệm với tập thể. 
Bệnh nhân ung thư Trần Kim Oanh: Cho đi là còn mãi
(BGĐT) - Khi gặp chị Trần Kim Oanh (SN 1986), quê ở thôn Chớp, xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang tại Bệnh viện K (Tân Triều - Hà Nội), chúng tôi không nghĩ mình đang trò chuyện với bệnh nhân ung thư đã trải qua nhiều lần điều trị hóa chất và phẫu thuật cắt bỏ khối u. Vui vẻ và lạc quan, chị kể về quá trình chống chọi căn bệnh này và những việc làm thiện nguyện. 
Vì những làng quê bình yên
(BGĐT) - Hằng ngày, họ cần mẫn với công việc, lo chuyện mưu sinh nhưng khi hay tin có tội phạm thì sẵn sàng cộng tác với lực lượng chức năng truy bắt, chẳng màng đến hiểm nguy. Bằng sự trách nhiệm với cộng đồng, họ tích cực tham gia bảo vệ sự bình yên cho gia đình và những người xung quanh.

Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...