Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thu hút nhân lực ngành y tế: Kỳ II - Cần có cơ chế mới

Cập nhật: 08:54 ngày 29/12/2016
(BGĐT) - Để thu hút bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu về công tác tại địa phương, ngành y tế Bắc Giang đang tăng cường nhiều giải pháp như: Phát triển hạ tầng bệnh viện, chuyển giao dịch vụ kỹ thuật hiện đại, cải thiện môi trường làm việc. Tuy nhiên, bài toán thiếu nhân lực vẫn chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều.
{keywords}

Mổ tim cho bệnh nhi tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh.

{keywords}
    Thu hút nhân lực ngành y tế: Kỳ 1 - Khó “giữ chân” bác sĩ giỏi

Chú trọng chất lượng nhân lực 

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân, những năm gần đây, ngành y tế chủ động tham mưu với UBND tỉnh triển khai nhiều đề án, dự án và các chính sách liên quan. Trong đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực được xác định là khâu đột phá. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm của cán bộ, viên chức gắn với trách nhiệm người đứng đầu ở mỗi đơn vị. Ngành xây dựng bộ máy theo hướng tinh gọn, tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Hằng năm, Sở Y tế chủ động phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, chỉ tiêu nhân lực cần đào tạo, tiếp tục đề xuất tuyển dụng bác sĩ đa khoa tốt nghiệp hệ chính quy, không tuyển bác sĩ đào tạo liên thông vào hệ điều trị. Năm 2016, toàn tỉnh tuyển 91 chỉ tiêu bác sĩ. Đặc biệt ưu tiên tuyển 36 bác sĩ đa khoa cho các bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện chuyên khoa; 8 bác sĩ y học dự phòng cho các trạm y tế. 

{keywords}

Song song với việc thực hiện tốt các giải pháp về đào tạo, Sở Y tế tham mưu xây dựng cơ chế đãi ngộ phù hợp nhằm thu hút, "giữ chân" cán bộ có chuyên môn giỏi; tạo môi trường, điều kiện làm việc tốt để các bác sĩ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với bệnh viện”. 


Ông Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế
Để xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu trình độ, Sở chú trọng đào tạo theo địa chỉ sử dụng, liên kết đào tạo liên thông bác sĩ cử tuyển, cử bác sĩ đi đào tạo chuyên khoa cấp I, II và thạc sĩ, nâng cao chất lượng đội ngũ toàn mạng lưới. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 200 bác sĩ đang theo học chuyên khoa cấp I, II. Cùng đó ưu tiên cử bác sĩ mới tuyển dụng đi học nội trú hệ lâm sàng có cam kết phục vụ tại đơn vị từ 6 năm trở lên. Sở Y tế liên kết với Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên, Đại học Y Hà Nội mở các lớp chuyên khoa cấp I, II tại tỉnh về y tế công cộng, y học dự phòng, nội, ngoại, sản, nhi, y tế gia đình. Riêng đối với cán bộ được cử đi đào tạo phát triển kỹ thuật mới tại tuyến tỉnh, T.Ư được hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng. 

Năm 2016, toàn tỉnh có hơn 30 bác sĩ được cử đi học tập chuyển giao kỹ thuật tiên tiến hoặc đào tạo theo ê kíp, chuyên khoa mũi nhọn. Đối với bệnh viện tuyến tỉnh, ưu tiên các kỹ thuật: Can thiệp đặt stens động mạch vành tim; nút mạch một số bệnh lý về gan, mạch não; xạ trị trong điều trị ung thư… Đơn cử bác sĩ Trần Văn Hiệp, Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đi học 3 tháng kỹ thuật nội soi tiêu hóa tại Trường Đại học Y khoa Nagoya (Nhật Bản). Nhiều bệnh viện đã chuyển giao thành công một số kỹ thuật y cao như: Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh thực hiện kỹ thuật cắt tử cung hoàn toàn trong bao cân; Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Dũng phẫu thuật thẩm mỹ vùng hàm - mặt và mắt. 

Ngành cũng ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ ở một số chuyên khoa như: Phẫu thuật, hồi sức cấp cứu, cận lâm sàng, sản, nhi. Bác sĩ Nguyễn Tất Thắng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: “Môi trường làm việc rất quan trọng. Khi được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn nội khoa tại bệnh viện, bác sĩ trẻ nhanh chóng nắm bắt bệnh lý qua từng ca bệnh, tự học hỏi, trau dồi kiến thức thực tế”. Được biết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tính thu nhập tăng thêm cho cán bộ, nhân viên theo năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc nhằm tạo động lực thúc đẩy sự cống hiến của từng cá nhân.

Năm 2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2016-2020. Trong đó, hỗ trợ 100% học phí, 1 triệu đồng tài liệu/năm cho bác sĩ đi học sau đại học ở các chuyên ngành: Y tế dự phòng, y học gia đình tuyến xã, truyền nhiễm, lao, phong, tâm thần, HIV/AIDS, giải phẫu bệnh, pháp y, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. 

Tuy vậy, những giải pháp này chỉ giúp cải thiện trình độ tay nghề của đội ngũ bác sĩ đang công tác tại địa phương được đơn vị cử đi học chuyên khoa. Còn đối với bác sĩ trẻ tốt nghiệp loại giỏi hầu hết đều mong muốn công tác tại tuyến T.Ư; bác sĩ có trình độ chuyên sâu đang công tác tại các bệnh viện lớn không muốn luân chuyển về công tác lâu dài tại các cơ sở y tế tuyến huyện.

Phát triển mạng lưới, chuyển giao kỹ thuật 

Tạo điều kiện cho bác sĩ học tập, nâng cao trình độ tay nghề, thời gian tới, ngành tăng cường đào tạo tại chỗ, đề xuất, tiếp nhận cán bộ của bệnh viện tuyến T.Ư về hỗ trợ công tác chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Cùng đó, Sở Y tế chủ động luân phiên đưa bác sĩ chuyên khoa I về hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện huyện, trạm y tế xã, phường, thị trấn. Từ các nguồn vốn hỗ trợ của tổ chức JICA, Norred ưu tiên đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật và nhân lực cho các bệnh viện huyện. Nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế, triển khai ứng dụng công nghệ mới trong điều trị, đặc biệt là các phòng thí nghiệm để chuẩn hóa kỹ thuật. 

{keywords}

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Tiếp tục thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh, giai đoạn 2016-2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh là vệ tinh của các Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, E, Phụ sản, Nhi T.Ư. Trước mắt, các bệnh viện trên tập trung hỗ trợ chuyển giao 132 kỹ thuật ở 6 chuyên khoa: Tim mạch, ung bướu, chấn thương, hồi sức tích cực - chống độc cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh; nhi khoa, sản khoa cho Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh. Hiện Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phù hợp kỹ thuật được chuyển giao. Các biện pháp đó giúp bệnh viện tuyến tỉnh phát triển kỹ thuật mới, cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, hạn chế chuyển tuyến, giảm tải cho các bệnh viện T.Ư. Trên cơ sở đó, ngành y tế thành lập các đơn vị lâm sàng, bệnh viện chuyên khoa mới như: Bệnh viện Nội tiết, Ung bướu; đơn vị nội soi tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)…

Về lâu dài, nhiều cán bộ trong ngành đề nghị Bộ Y tế tăng chỉ tiêu đào tạo bác sĩ sau đại học; mở rộng và cân đối quy mô đào tạo theo ngành học đáp ứng yêu cầu nhân lực đa khoa thực hành. Từng bước giải quyết sự thiếu hụt nghiêm trọng về bác sĩ chuyên khoa thuộc 6 ngành ưu tiên: Ung thư, tim mạch, chỉnh hình, nhi khoa, truyền nhiễm và bác sĩ gia đình. Các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, cải thiện môi trường làm việc hấp dẫn với nhiều chính sách ưu đãi bác sĩ có tay nghề, trình độ cao để thu hút bệnh nhân khám, chữa bệnh. 

Để làm được việc này, ngành y tế cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải tiến quy trình thủ tục khám, chữa bệnh, đổi mới phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. UBND tỉnh có chế độ đãi ngộ đối với cán bộ khoa học kỹ thuật, sinh viên ngành y tốt nghiệp loại giỏi về công tác tại tỉnh. Ưu tiên tiến sĩ y khoa có chuyên ngành phù hợp. Tiếp tục thu hút và sử dụng hợp lý nhân lực có trình độ cao, đào tạo theo nhu cầu của xã hội, tăng cường cử cán bộ đi đào tạo trong nước và nước ngoài, coi trọng thực hành tại tuyến y tế cơ sở. Từ nay đến năm 2020, ngành tập trung triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại trạm y tế và khuyến khích phát triển phòng khám bác sĩ gia đình tại các cơ sở y tế ngoài công lập, góp phần quản lý tình trạng bệnh tật, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngay từ tuyến đầu.

Nhóm PV VH-XH

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...