Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 32 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nữ lao công

Cập nhật: 13:35 ngày 19/10/2018
(BGĐT)- Cứ tầm bốn giờ sáng thức giấc để đi tập thể dục, ông Cử lại nghe tiếng chổi tre của bà Thà vang trên sân trường tiểu học. Giữa buổi sớm yên ả tĩnh mịch, âm thanh ấy trở nên đơn độc mà lay động.

Nó như tiếng nói, tiếng gọi, lúc đều đều buồn bã, lúc mạnh mẽ, quyết liệt, đôi khi im bặt vắng lặng. Hơn chục năm nay rồi, ông Cử đã quen âm thanh, nhịp điệu ấy. Nhà ông gần cổng trường. Lắm người trong ngõ nhờ tiếng chổi tre đã thức giấc để bắt đầu công việc của một ngày.

Không ít người toàn cánh đàn bà trung tuổi đã quét sân trường nhưng chỉ được vài ba tháng buộc phải thôi vì không đáp ứng yêu cầu của nhà trường. Người do ốm yếu, bệnh tật, người tại chểnh mảng công việc. Chỉ duy nhất cho tới nay là còn bà Thà dẫu bà đã nhiều lần muốn xin nghỉ và đã qua bốn đời hiệu trưởng về đây.

Ông Cử dừng chân trước cánh cổng trường, oang oang:

-Bà này đúng giờ ghê. Ngày nào cũng vậy, y như đồng hồ báo thức.

Bà Thà ngẩng đầu, khẽ kêu:

-Bác Cử đấy ạ? Hôm nay bác lại đi đường này? Bác chịu khó tập thế. Em chả thấy bác bỏ buổi tập nào.

Ông Cử khác mọi hôm, đứng khá lâu trò chuyện với bà. Ông Cử nghĩ đến bà lại thấy thương nhưng chả biết cách giúp bà thế nào. Thi thoảng ông mới đứng trò chuyện phút chốc. Âu cũng là giữ ý với xóm làng. Chả là vợ ông vừa mất cách đây vài năm. Phải, cứ nghĩ đến bà, ông lại thấy thương thương. Đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.

Bà Thà lại cắm cúi quét. Đã có vài ba đống rác to nhỏ được thu gọn từng chỗ, phần nhiều lá rụng. Sân trường này nhiều cây lâu năm, rợp mát khắp nơi, bởi thế vào mùa này lá rụng nhiều. Tính bà cẩn thận, chăm chỉ, tỉ mẩn. Bà quét dọn quá ư sạch sẽ. Nói như cô giáo Nhung hiệu phó, đến sợi rác ở bãi cỏ cũng không có. Khi đứa trẻ đầu tiên tới trường, thậm chí anh chàng bảo vệ chưa ngủ dậy, sân trường đã sạch bóng.

Bà Thà ngồi xuống bậc thềm xi măng trước lớp học, thở dốc. Dạo này sức khỏe bà đã sụt giảm. Nghe cơ thể thì biết. Làm một lúc đã thấm mệt không như năm ngoái. Chân tay như đi mượn người khác, thi thoảng lại chóng mặt, nhức đầu. Đầu gối, khuỷu tay, ngón chân đau nhức tưởng như có dòi bọ trong đó. Mà bà đã quá già cho cam, mới ngoài tuổi sáu mươi. Người ta vào tuổi bà đã có thể an nhàn, nghỉ ngơi đằng này cứ phải nai lưng ra làm. Ờ thì, công việc chẳng nặng nhọc lắm, chỉ mấy tiếng đồng hồ ban sớm, ban trưa mà mỗi tháng cũng được đôi ba triệu, còn nhàn chán so với mấy cô thu dọn rác trong làng. Có lẽ đợt này bà sẽ xin nghỉ. Ở nhà chăm mấy con gà, con vịt lại trông vào ít rau trong vườn cũng đủ sống mỗi ngày. Ăn uống bây giờ có ra cái gì. Một bìa đậu, lưng bơ gạo, tí rau ăn cả ngày.

Năm ngoái bà gặp cô giáo Khánh hiệu trưởng, xin nghỉ. Đây là lần thứ hai, thứ ba gì ấy, bà muốn thôi việc. Cô giáo Khánh cứ quàng lưng bà, cười khanh khách:

- Mặc kệ, bu cứ phải làm. Con nói cho bu biết, khối người đến xin việc mà chúng con không nhận, chỉ tin và quý nhất bu thôi.

Cô giáo này vui tính, xởi lởi, khéo ăn khéo nói, ai cũng quý.

- Hay bu giận chúng con?

- Giận dỗi gì - bà cười - Các cô đối với tôi quá tốt rồi.

Đúng là nhà trường đối với bà rất chu đáo, coi bà như thành viên. Ngày lễ, ngày tết đều thăm hỏi, động viên, có cả quà lớn quà bé. Ốm đau, mỏi mệt được chăm sóc tận tình từ lời nói đến thuốc thang. Mà cũng chẳng dành riêng cho bà, cô giáo, thầy giáo nào cũng vậy, kể cả anh chàng bảo vệ khó tính.

- Thế cô giáo định để bà già làm tới lúc chết ư?

- Bu còn khỏe chán, cứ phải làm chục năm nữa.

Hẳn là cô giáo nói đùa. Điều mà cô và nhà trường khẳng định, ấy là quý mến bà. Bà đã chăm chỉ lại thật thà, ăn nói nhã nhặn, rất thương học trò. Nhặt được tiền lẻ bà cũng báo cáo cô giáo trực ban để ghi trên bảng nhắc học trò nào mất đến nhận. Thông báo cả tuần chả thấy học sinh nào tới. Cô giáo trực ban tươi cười:

- Bà cầm lấy mà tiêu. Số tiền này có đáng gì.

- Không, cầm một xu một hào cũng mắc tội với trời Phật. Cô cứ nộp cho nhà trường.

Vậy là từng số tiền nhỏ được ghi vào sổ sách. Tính ra cả năm học cũng được hơn trăm nghìn đồng.

Hằng ngày quét dọn bà nhặt riêng giấy, bìa, chai lọ, túi nhựa để bán, có bao tiền lại đưa cho trường. Cô giáo Khánh kêu ầm lên:

- Bu ơi là bu, bu cầm lấy mà tiêu. Đây là công sức của bu. Nhà trường con có nhiều tiền rồi.

- Thì tôi có cho cô giáo đâu. Tôi góp để giúp đứa trẻ nào nghèo cơ mà. Tiền công hằng tháng mà nhà trường đưa tôi chả còn tiêu hết nữa là.

Đúng là kiến tha lâu cũng đầy tổ. Cứ theo sổ sách nhà trường suốt hơn chục năm làm, bà đã góp tới mấy triệu đồng. Chính việc làm của bà đã nảy ra sáng kiến của trường là phát động toàn thể học sinh thu gom giấy vụn, chai lọ để giúp các em nghèo.

Tơ mơ sáng. Ánh sáng trắng nhợt nhạt cứ loãng dần. Một màu trắng tinh khôi hiện lên. Âm thanh mỗi lúc vang động trong ngõ xóm, trên đường ngang dọc vây quanh trường. Bà Thà ngồi xuống ghế đá, ngả người lên thành ghế, khẽ nhắm mắt. Lưng đã lấm tấm mồ hôi. Công việc đã xong. Nhặt nhạnh xếp từng tờ giấy nhỏ to vương vãi, buộc vào bó. Chai lọ cho vào bao tải dứa. 

Chuyển rác ra bãi tập trung. Đi vòng cuối cùng sân trường để kiểm tra lại. Bây giờ bà ngồi nghỉ trước khi trở về nhà. Những lúc rỗi rãi như thế này, bà càng nhớ bà Nho bạn thân tình. Bà này cũng chẳng giàu có sung sướng gì nhưng xởi lởi, mát tính mát nết, thích ca dao hò vè. Bà làm lẽ ông Lợi là cai xây dựng khi bà vợ cả có tính lẳng lơ đã đi theo người đàn ông khác trong xã. 

Bà Nho không sinh nở vì đã quá lứa nhỡ thì. Cứ tưởng có ông, bà sẽ đỡ cô đơn, được nương tựa lúc xế chiều. Ai dè chồng càng ngày càng nát rượu, mải chơi tối ngày, đã vậy coi bà như con ở. Chuyện to, chuyện nhỏ, chuyện vui, chuyện buồn đều kể cho nhau, đãi đằng, giãi bày. Bà Nho to khỏe, hồng hào đến vậy mà chỉ một trận cảm trong đêm đã không cứu được. 

Chẳng còn bạn tâm tình, bà Thà buồn bã hơn, trở nên ít nói. Không nghĩ thì thôi, cứ nghĩ đến thân phận mình, bà chỉ muốn òa ra khóc. Bố mẹ sinh ra chỉ có hai chị em gái. Bố mất sớm. Mẹ vất vả nuôi con. Bà bị thọt chân từ nhỏ, lưng lại hơi gù, cô em gái thì lành lặn, xinh đẹp. Khi cô em đã có hai con với ông chồng buôn bán trong Nam, bà vẫn một mình một bóng. Bà càng cô đơn khi mẹ mất.

Có tiếng ông Cử gọi ở cổng.

- Bác bảo gì em đấy ạ? - Bà Thà tập tễnh đứng dậy - Hôm nay bác tập ít thế?

Ông Cử lúng túng:

- Đang tập tôi sực nhớ ra có siêu điện chưa rút ổ cắm nên phải quay về. Nó mà chập điện thì cháy cả nhà. Giờ tôi hay đãng trí lắm.

- Bác tính, già ai chả thế. Em trẻ hơn bác mà còn quên nữa là.

Ông Cử rút trong túi áo ra một lọ thủy tinh màu xanh lá mạ, ngượng ngập:

- Thế này, bà ạ. Tôi nhớ có lần bà kêu nhức xương, nhức chân. Tôi có lọ thuốc này do thằng con mới gửi về, bôi xoa tốt lắm. Tôi đã dùng, đúng như cháu nói. Có hai lọ, xin tặng bà một lọ. Gọi là…

- Em cũng đỡ rồi… Em…

- Bà cứ cầm mà dùng. Nếu tốt, tôi sẽ bảo cháu gửi tiếp. Trong ấy có nhiều lắm.

- Nhưng mà…

- Bà cố giữ sức khỏe. Nếu yếu thì xin nhà trường cho nghỉ.

- V…â…ng. Em… Cám ơn bác…

Ông Cử hấp tấp trở về.

Bà Thà cứ đứng dựa lưng vào cánh cổng trường, nắm chặt lọ thuốc, bồi hồi xúc động. Bà cứ đứng nhìn mãi cho tới khi ông Cử khuất hẳn trong ngõ.

Đỗ Nhật Minh - Cây bút đa phong cách
(BGĐT) - Đỗ Nhật Minh là người viết văn chuyên nghiệp. Trong Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang, ông thuộc thế hệ đầu tiên từ khi còn tỉnh Hà Bắc. Tính đến nay, thời gian cầm bút sáng tác của ông dễ cũng gần năm mươi năm. Có lẽ từ truyện ngắn đầu tay “Câu chuyện về một đội kịch” in năm 1971, một cú hích đưa ông một thầy giáo dạy văn trở thành một người viết văn, viết báo.
 

Truyện ngắn của Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...