Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chào mừng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII – Nguyên Tiêu Kỷ Hợi 2019: Tản mạn thơ Xuân

Cập nhật: 07:00 ngày 16/02/2019
(BGĐT)- Thôi chẳng nói xuân ngày xưa trong một số báo Tết ra trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - thời đất nước ta còn chìm đắm trong ách nô lệ thực dân, đế quốc. Chẳng phải vì thời gian đã quá xa mà còn vì thơ hồi đó rất buồn. 

Âu là do “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Nhà thơ Xuân Diệu - ngọn cờ đầu thi ca lãng mạn lúc ấy đã thốt lên: Xuân đương tới nghĩa là Xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là Xuân sẽ già/ Mà Xuân hết nghĩa là tôi cũng mất. Cách mạng thành công, đất nước giành độc lập, tự do, thơ xuân cũng xuân sắc, con người “Hớn hở giữa mùa xuân/ Rộn rực muôn màu sắc/ Náo nức muôn bàn chân” (Tố Hữu), càng tưng bừng rộn rã tươi vui khi đất nước trọn vẹn giang sơn, đi trên con đường đổi mới, đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh.

{keywords}

Du xuân. Ảnh Internet

Xuân về cũng như các thi sỹ khắp mọi miền Tổ quốc, các nhà thơ tỉnh nhà háo hức, hân hoan viết những vần thơ tự trái tim mình. Nói như nhà thơ - nhà báo Trọng Việt: “Ngày xuân miền thương nhớ/ Chảy đầy dòng sông thơ”. Về mùa xuân tất không thể nhắc tới cảnh vật đặc trưng. Ấy là mưa, là tiết trời se se lạnh, là chim ca, hoa nở, là chợ, là hội làng… và đặc biệt là lòng người. Về mưa xuân, nhiều nhà thơ kể với tâm trạng khác nhau. Đặng Tiến Huy thủ thỉ:

Mưa xuân tơ mảnh sợi tơ trời

Sao khéo rây hoài thả phấn chơi

Em lẫn vào mưa trời ngà ngọc

Và ai mê mẩn lòng chơi vơi

Nhà thơ đóng vai chàng trai đang yêu. Đương nhiên không phải mưa tơ mảnh mà chính là người con gái đang làm chàng mê mẩn, chơi vơi. Anh Vũ tả mưa nhưng cũng chính tả tâm trạng nôn nao, bồi hồi của người đang yêu: “Mưa như không tiếng không lời/ Để ta nghe ngợp cả hơi thở mình”. Còn nhà thơ Nguyễn Hoạt thì nói thẳng thừng:

Ướt tóc em, ướt tóc tôi

Buông tay chạm phải nụ cười nghêng nghiêng

Đúng là mưa tạo cái cớ cho thi sĩ tỏ tình, chả biết cho mình hay nói hộ cho trai gái thanh tân?

Chả phải mưa, ngay cả gió cũng lay động trái tim đa cảm nhà thơ. Nhà thơ già Quách Đăng Khoa thừa nhận:

Đến đâu cũng có gió

Đỉnh đê dưới bến sông

Bồn chồn tình quan họ

Chẳng khi nào gió không.

Thì ra, chính tình quan họ đã là gió cho lão nhà thơ. Tôi sực nhớ câu ca dao của ông cha vô cùng tinh tế, tưởng như ỡm ờ mà đáo để: “Gió sao gió mát sau lưng/ Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này.”

Dường như bất cứ cảnh vật gì mùa xuân đều làm rung lên những cung bậc tình yêu, những thương nhớ, bồn chồn, những xao xuyến, ước mong. Chẳng lạ gì khi nhà thơ - nhà giáo Vũ Hoàng Nam dạy trường làng, đã thổ lộ trong bài thơ “Lộc biếc”:

Tay em vịn nhánh xuân này

Đã nghe lộc biếc dâng đầy mắt anh

Lạy giời cho lá cứ xanh

Mưa buông tơ nhẹ cho mình bên nhau.

Khôn và khéo đến thế là cùng!

Xuân gắn với hội làng. Đúng là “Làng nào cũng có hội/ Đón bạn gần bạn xa” (Trọng Việt). Ở các làng quan họ vẫn giữ hội hát. Đoàn Huy Cảnh vừa tả cảnh vừa tả tình với những câu thơ “níu chân người về”.

Rộn ràng mớ bảy mớ ba

Bao lưng xanh giữa mượt mà tứ thân

Thương em sao cổ trắng ngần

Để quan họ mãi níu chân người về

(Nhớ hội xuân quan họ)

Hội làng thường có chơi đu. Chơi đu đâu chỉ là môn thể thao mà còn là nơi gặp gỡ trai thanh gái lịch, là ngày vui của toàn dân từ trẻ nhỏ tới cụ già. Trọng Việt kể: “Cây đu bên làng Hạ/Gọi con trai làng Bùi/ Thậm thình em làng Giã/ Cùng vào cuộc đùa vui”. Nhà thơ Duy Phi được nhiều người yêu mến với bài “Đu xuân”. Lời thơ vừa chân chất vừa bay bổng:

Gái đảm trai tài đu mới hay

Mắt cười trong mắt tay cầm tay

Sầm sầm đu hạ gieo ngang đất

Thoắt lại bay rồi vút giữa mây

Và lời kết:

Xin ai ở dưới đừng vội bắt

Hãy để mùa xuân những phút bay

Trung tâm, cái cốt lõi của xuân là Tết. Nói đến Tết ắt phải nhắc tới những phiên chợ giáp Tết. Nếu ngày xưa, trước 1945, “Chợ Tết” nổi tiếng của nhà thơ Đoàn Văn Cừ tập trung miêu tả rất sống động và chi tiết về chợ Tết thì nay các nhà thơ Bắc Giang chỉ vin vào chợ này để nói ý tứ khác. Đơn cử như nhà thơ - cựu chiến binh Tô Hoàn tâm tình:

Tôi đi chợ Tết theo em

Cầm hoa hoa rụng, cầm tiền tiền rơi

Chen vai thích cánh một hồi

Lạc nhau nào biết ai người tay không.

(Đi chợ Tết)

Ai cũng biết bụng dạ của anh chàng si tình vụng dại này. Tất không phải vì chợ người đông mà lạc. Một sự than thở trách móc đáng yêu.

Từ ngày có công cuộc đổi mới, chợ hoa ngày càng nhiều tại phố phường, làng xã. Nhà thơ Duy Phi nói rất đúng:

Chợ hoa mấy rẻo đi không hết

Mai vàng đào bạch với đào phai

Rét dài trái tiết hoa lên giá

Vô giá sắc đào trên má ai

Nhà thơ quá cố Kim Ô nhận xét:

Chợ xuân chợ của hoa tươi

Mỗi hoa mỗi vẻ cho người bán mua

Hoa thực sự là “ngọn lửa ấm mùa xuân" như nhận định của nhà thơ Quách Đăng Khoa.

Mùa xuân là tột cùng của phồn thực - cả trời đất lẫn con người. Hoa nở rộ. Chim ríu rít. Cây cối đâm chồi nảy lộc. Đất đai nồng ấm. Con người dồi dào sinh lực, ước vọng, tim yêu. Tình yêu rạo rực, thao thức, thắm thiết… Phải thế chăng, cái sự tột cùng ấy mà nhà thơ tài danh Hàn Mặc Tử cách đây bảy, tám chục năm đã gọi đó là Mùa xuân chín? Phải thế chăng những ai phải xa quê - nhất là những người xa Tổ quốc - luôn cồn cào nhớ quê vào dịp Tết? Thật cảm thông với Vũ Tuyết Nhung (Thương Giang) ở phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang từ Ki - ép của Ucraina viết cho mẹ quê nhà:

Tết này đất khách mẹ ơi

Không hoa đào thắm như nơi quê nhà

Không nhộn nhịp cảnh trời hoa

Cũng không vẳng tiếng ngân nga chuông chùa

Và:

Chẳng đừng mới phải xa quê

Bao năm day dứt nhớ về cố hương

Giọt buồn, giọt nhớ, giọt thương

Sẽ khó thống kê hết những bài thơ xuân của các nhà thơ, các cây bút thơ tỉnh nhà. Đến nay trong các nhà thơ kể trên, người còn người mất, nhưng những câu thơ, bài thơ hay về mùa xuân và Tết của họ vẫn được lưu truyền nhiều bạn đọc. Bây giờ giở tờ báo, tạp chí xuân tỉnh ta có nhiều bài thơ. Âu cũng là ngỏ lòng của các nhà thơ và cũng là tiếp sức mỗi chúng ta “Cho những mùa gặt lớn mai sau/ Phải nhanh chân, từ những bước đầu/ Tổ quốc ta phải giàu phải mạnh” như nhà thơ cách mạng Tố Hữu đã khẳng định sau đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Từ ngày 15 đến 21-2 sẽ diễn ra 3 sự kiện lớn về văn học, thơ ca tại Việt Nam
Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 21-2 tại Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Giang. Thông tin trên được nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết chiều 13-2, tại Hà Nội.
 
Ngày thơ 2019 hướng tới quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới
Điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 - Xuân Kỷ Hợi 2019 là các hoạt động thúc đẩy giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam với bạn bè quốc tế.
 
Sôi động giải đua xe môtô cúp vô địch quốc gia 2019 tại Cần Thơ
Giải đua xe môtô toàn quốc Cúp vô địch quốc gia năm 2019 quy tụ sự tham gia của 48 tay đua chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp của các câu lạc bộ môtô đến từ 13 tỉnh, thành phố.
 
Có một Bắc Giang thơ
(BGĐT) - Ấy là tôi không nói về Bắc Giang thơ với cái nghĩa sơn thủy hữu tình, cảnh đẹp nên thơ dẫu rằng điều ấy rất đúng nếu như đặt chân tới các vùng đất Yên Thế, Lạng Giang, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động… Ở bài viết này tôi chỉ lan man đôi chút về thơ Bắc Giang - những bài thơ nổi tiếng của các nhà thơ tài danh đã qua vùng đất này, đã sinh sống ở đây từ trước tới nay. 
 
Nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên: Kỳ nhân Phủ Lạng Thương
(BGĐT) - Sở dĩ tôi dùng hai chữ kỳ nhân, một cụm từ ghép Hán-Việt không cố định gồm hai từ có nghĩa độc lập, tức là người tài để nói về nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên vì họa sĩ họ Bàng là người duy nhất vẽ tranh bằng 10 ngón tay trên mọi chất liệu, chứ không vẽ bằng cọ (bút vẽ) như hầu hết các họa sĩ ở nước ta và trên thế giới từ cổ chí kim. Cũng vì thế, tôi mạn phép vong linh cụ, đặt cho cụ biệt danh là kỳ nhân.
 

Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...