Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Quả ngọt” của người thầy

Cập nhật: 07:00 ngày 08/06/2019
(BGĐT) - Dự cuộc gặp mặt với học sinh cũ Trường THPT Lục Ngạn số 1 (tỉnh Bắc Giang) xong, còn lâng lâng niềm vui, tại nhà Ngân, tôi nói với Thoòng, học sinh cũ:

- Thầy vui quá! 25 năm gặp lại, trò nào cũng trưởng thành, cứng cáp cả rồi mà vẫn hồn nhiên. Giờ còn sớm, thăm nhà Ngân rồi, em đưa Yên về tận nhà, thầy vào thăm bố mẹ Yên nhé!

Yên reo lên: Thật, thầy nhé!

Tôi cười:

- Sao không thật? Sáng trên đường từ Bắc Giang về, thầy nói rồi, còn thời gian thầy sẽ vào mà! Có lý do đấy! Nhưng thầy chỉ ở khoảng một tiếng thôi. Đừng báo bố mẹ nhé!

{keywords}

Minh họa: Định Hương

Nhìn Yên, tôi chợt nhớ 15, 16 năm trước, khi còn công tác, đi kiểm tra giáo dục Lục Nam, về Đông Hưng, tôi thấy một cô giáo nhỏ nhắn, xinh xắn từ trong lớp học chạy vội ra ngoài:

- Thầy! Thầy ơi! Thầy nhận ra em không?

- Yên! Phạm Thị Yên 91-94,

lớp 12B!

Lũ trẻ trong lớp đứng cả dậy, nhìn ra. Yên nói như khóc:

- Em cảm ơn thầy! Thầy vẫn còn nhớ em!

Bây giờ thì tôi vào nhà bố mẹ đẻ Yên, cũng bất ngờ như khi gặp em năm ấy. Vợ chồng Yên có nhà ở Quý Sơn nhưng đã chuyển về thành phố Bắc Giang sinh sống. Yên dạy ở thành phố. Thành - chồng Yên công tác ở huyện Lục Ngạn.

Ngày còn ở Lục Ngạn, nhiều lần đi từ Kim sang các xã Đông Hưng, Đông Phú (Lục Nam) tôi đã quá quen với những xóm nghèo, những ngôi nhà lúp xúp của bà con dưới xuôi lên khai hoang, của bà con công nhân nông trường Kim. Còn nay, vườn tược ngay ngắn, một màu xanh mướt. Ổi đang vào vụ thu. Quả vải trĩu trịt trên cành. Cam, chanh, bưởi trái sai lúc lỉu... Không còn đâu những ngôi nhà lợp lá mía, tranh, nứa! Mái ngói, điều "ngày xưa" bao người mơ ước cũng chỉ còn lẻ tẻ. Hầu hết là nhà kiên cố, tường bao quanh vườn chắc chắn, gọn gàng!

Xe đến nhà Yên. Rất đông người đã đứng ở sân. Tôi nhận ngay ra Dũng, người mở cửa xe đón tôi.

Tôi bước xuống xe, hai thầy trò ôm chầm lấy nhau:

- Dũng! Gặp em đây rồi!

Dũng ngỡ ngàng: Thầy vẫn nhận ra em, hơn 30 năm rồi, thầy!

Tôi vỗ vỗ vào lưng Dũng:

- Thầy quên sao được người học sinh đầu tiên của thầy, đúng hơn là của trường cấp 3 Lục Ngạn được giải học sinh giỏi Văn cấp tỉnh. Mà Dũng được giải hai năm liền, lớp 11 và 12. Thầy còn nhớ cả nét chữ em!

Sự xúc động của hai thầy trò tôi có lẽ còn tiếp tục, nếu không có tiếng của một phụ nữ có tuổi:

- Em chào thầy ạ!

Tôi buông Dũng nhìn sang và bất ngờ:

- Ơ! Bác có phải là... cô Hằng? Đúng rồi, cô Tô Thị Hằng!

Người phụ nữ xấp xỉ tuổi 70, vẫn rất khỏe mạnh, tươi tắn ấy, cười đôn hậu: Vâng em đây thầy! Cô giáo sinh sư phạm thầy dạy năm xưa, đây ạ!

Dũng và Yên cùng cười tươi:

- Thưa thầy! Đây là mẹ em!

Thật bất ngờ ! Mọi người cùng vào trong nhà. Lúc ấy tôi mới nói:

- Cô Hằng này, tôi vẫn gọi là cô như "ngày xưa" đấy nhé, vừa vì cô không khác năm học thêm là mấy, vừa cho thầy trò cùng nhớ ngày xưa, dù giờ cô nhiều cháu nội, ngoại rồi!

- Vâng ạ! Em cũng thích thầy gọi em như xưa ạ!

Thực ra, tôi nhớ đã dạy ba anh em Dũng, Dự, Yên. Mà Yên cũng chẳng biết đâu, nhưng tôi không biết cô Hằng là mẹ của ba, bốn đứa này!

Mọi người cười rất vui. Đúng lúc, bố Yên và Dũng từ vườn về. Ông chào tôi. Thì ra ông ra vườn hái ổi lai lê, bưởi da xanh về đãi khách. Tôi ngờ ngợ nhìn rồi nhớ ra ông. Ông, giọng rất chân quê, chậm rãi, khiêm nhường:

- Em nhớ vì được gặp thầy khi đi họp phụ huynh ở trường. Nhà em bận dạy học, lại lo việc nhà nên không đi họp được. Em về có nói tên thầy, bà ấy bảo thế thì ông giáo dạy cả mấy mẹ con! Em gặp thầy cũng không dám khoe, sợ người ta nghĩ này, nghĩ khác!

Lại rộ tiếng cười. Vừa cùng nhau thưởng thức đặc sản quê, mọi người vừa trò chuyện. Tôi nói vui:

- Thế là ông Lực, đúng tên ông là Lực phải không nào? Ông Lực làm thầy trò tôi xa nhau, làm tôi thành người không nắm chắc hoàn cảnh học sinh đấy nhé!

Yên tròn xoe đôi mắt:

- Thầy nhớ cả tên bố em?

Tôi bình thản: Đầu tiên là vì anh Dũng, rồi đến Dự và sau này là em và em của em đã làm thầy nhớ tên phụ huynh. Một ông công nhân lần lượt nuôi nửa tiểu đội con học hết cấp 3 trong thời khốn khó, đứa nào cũng ngoan hiền.

Chuyện đang rôm rả thì Thành về, niềm nở, lễ phép chào tôi và bố mẹ vợ. Tôi hỏi:

- Sao em biết tôi ở nhà ông bà ngoại?. Tôi hỏi, Thành thưa:

- Em cũng từ Bắc Giang về thầy ạ. Nhà em báo tin thầy đến chơi, em đi thẳng đến nhà bố mẹ em. Lát, em mời thầy sang em ạ.

Tôi bảo:

- Thầy không dạy trực tiếp lớp Thành, mà em vẫn nhận ra thầy.

Thành cười:

- Thưa thầy, em nhớ năm 82, lúc ấy em học lớp 11, thầy chuyển từ trường sư phạm về trường cấp 3, còn chở theo con lợn rất to, dễ đến 1 tạ cơ ạ!

Tôi gật đầu, pha trò:

- Đúng rồi! Lúc ấy thầy gồng gánh cả nhà về ở nhờ nhà trường. Gia tài gọn trong chiếc ô tô tập lái. Chuyện chiếc xe và con lợn cũng dài dài, có dịp thầy kể. Không ngờ, chiều ấy em ở trường, lúc gia đình thầy đến.

Tôi hỏi: Vợ chồng Yên thầy biết rồi, còn biết cả con các em học rất tốt, cháu lớn đã vào thẳng đại học vì được giải quốc gia, cháu nhỏ học lớp 9, cũng học khá lắm. Yên là cô giáo giỏi, Thành trải qua nhiều vị trí ở tỉnh rồi luân chuyển về huyện nhà. Cố lên các em nhé! Còn các anh chị khác, nói thầy nghe nào!

Dũng rủ rỉ:

- Thưa thầy! Em không bao giờ quên những bài giảng, nhất là những buổi bồi dưỡng cho đội tuyển Văn. Thầy dạy em đọc văn là phải đọc được hồn cốt của văn, phải "đọc" ý tứ ở ngoài chữ nghĩa. Thầy chỉ cho em từng cách viết sao cho buộc người đọc, người nghe không rời được văn mình. Chính nhờ thầy phát hiện, bồi dưỡng môn Văn nên em tự tin đi thi và học Luật. 

Em làm việc ở Hà Nội, cuộc sống ổn định, bản thân và vợ, con em sống tử tế, thầy ạ. Thỉnh thoảng em về thăm bố mẹ, không thăm thầy được, thật là không phải! Thật tình một đôi lần em lên trường, ý định thăm thầy nhưng nghe nói thầy đã chuyển công tác, thầy cô sống ở thành phố. Em về lại vội vàng. Hôm nay em được gặp thầy tại nhà bố mẹ...

Tôi ngắt lời Dũng:

- Các cô cậu còn nhiều nỗi lo, việc làm. Thăm thầy được là tốt, không thăm được đừng áy náy. Hôm nay thầy chủ động đấy. Là vì Yên nói có anh cả ở Hà Nội về chơi. Mà thầy nhớ lắm đấy, từng đứa trong đội tuyển, từng buổi học dưới ánh đèn dầu ở trường, ở nhà thầy. Nhớ nhất hôm nghe tin em được giải, thầy trò ôm lấy nhau. Hôm sau, em đem cả bao dứa chín lên khao thầy và bạn.

Dũng xuýt xoa:

- Em cảm ơn thầy ạ! Thưa thầy, chú Dự nhà em công tác ở TP Hồ Chí Minh. Chú ấy làm Phó Tổng giám đốc một công ty. Ổn thầy ạ! Cô út, tên Thủy hai vợ chồng em con đều là giáo viên, dạy ở Lục Nam.

Tôi quay sang ông bà Lực. Như hiểu ý tôi, cô Hằng chực như giơ cánh tay phải lên, tôi tủm tỉm cười, cô cười theo, bỏ nhanh tay xuống, nói:

- Thưa thầy! Em nghỉ hưu hơn 10 năm rồi! Bám chặt lấy nghề rồi nghỉ hưu! Cũng nhiều tao đoạn gian nan, tưởng bỏ nghề thầy ạ! Nghĩ công các thầy dạy, công cha mẹ cho ăn học, nghĩ trách nhiệm nuôi dạy con nên em sống chết bám lấy nghề.

Tôi đồng tình:

- Cũng là một chiến công đấy!

Cô Hằng nhớ lại:

- Năm tám mươi (1980), em đi học thêm ở sư phạm miền núi, học thầy ấy, Yên lúc ấy 6 tuổi, em phải đưa nó xuống trông em. Con bé cũng thiệt thòi. Năm nó học xong cấp 3 là năm hai anh đang học ở Hà Nội. 

Nuôi cùng lúc hai anh học đại học, em không đủ sức nuôi nó đi đại học nữa, đành khuyên con nghỉ một năm, năm sau mới thi. Nhưng nó khóc xin cho đi thi và học sư phạm, gần nhà, đỡ tốn kém. Vợ chồng em chiều theo đúng nguyện vọng của con. Thế là nó thành cô giáo, cũng dạy học ở nhiều nơi, miền núi, đồng bằng có cả, giờ thì được về thành phố. Vợ chồng em bây giờ tàm tạm thầy ạ!

Tôi nắm chặt tay ông Lực:

- Tạm như thế, cả nước xin tạm! Con cái phương trưởng. Hai ông bà có lương hưu, lại có cả mẫu vườn cây trái này, rồi cây cảnh để ngắm, để chơi, sân, nhà rộng rãi, gọn gàng, cơ ngơi, đồ tiện nghi hiện đại, đủ đầy thế này, nhiều, rất nhiều người mơ! Chắc vẫn có khoản khuyến học, khuyến tài cho con cháu, chứ bình thường con cái chưa phải hỗ trợ, nói gì đến nuôi dưỡng, đúng không ạ?

Ông Lực lên tiếng:

- Đúng thế thầy ạ! Vợ chồng em cùng quê ở Ninh Giang, Hải Dương. Ngày chúng em rời quê lên đây khai hoang, năm 71 lụt to ấy, cũng bao gian nan, vất vả. Vợ chồng em đã bàn với nhau phải kiếm đất, khai khẩn đất để sống, nhưng phải bám vào giáo dục để sống tốt, để đổi đời cho con cháu. Mẹ nó phải làm nghề dạy học. Em vào làm công nhân nông trường. 

Dù khó khăn song hai vợ chồng luôn cố gắng để con cái được học hành. Học cho giỏi. Học không phải để làm ông này, bà nọ. Học ít nhất được khôn trong làm ăn, được tốt trong cư xử. Thầy ạ! Còn cả chặng đường dài phía trước nhưng bây giờ chúng em hài lòng và vẫn răn dạy các cháu phải biết ơn các thầy cô, làm gì thì làm phải nghĩ đến mẹ là cô giáo, nhà mình có nhiều người làm nghề dạy học. Nhà em được như bây giờ là nhờ giáo dục, nhờ các thầy cô. 

Ai nói gì thì nói, chúng em vẫn tin thầy cô, kính trọng thầy cô. Số người trong ngành “có chuyện” chỉ là ít ỏi thôi, thầy nhỉ?

Tôi nhìn ông, nghe ông, một công nhân đã nghỉ hưu, tuổi ngoài 70 mà thật sự xúc động và suy nghĩ. Tôi chậm rãi tiếp lời:

- Cảm ơn ông đã nhìn nhận công bằng và có niềm tin vào những người thầy! Tôi nghĩ chắc ông còn luôn nhắc các con mình, bố là một công nhân, một người làm vườn, yêu đất, yêu cây thực thụ!

Đã đến giờ về, dù gia đình tha thiết giữ lại, tôi vẫn xin phép. Lại những cái bắt tay thật chặt.

Bìm bìm nở muộn
(BGĐT) - Bố cháu gọi cô lên.Thằng Hoàn lên tiếng gọi. Mùi nghĩ là mình ù tai nên nghe nhầm. Cô tiếp tục đảo thuốc. Tiếng đũa cọ vào thành chảo loạt xoạt. 
Hạnh phúc giản dị
(BGĐT) - Hảo năm ngoái 21 tuổi. Hớn 22. Ban đầu họ bị anh em trong phân xưởng trêu chọc, do hai cái tên ghép lại thành ra một từ nghe muốn bấm bụng cười. Ấy vậy mà họ nên duyên chồng vợ thật.

Truyện ngắn của Phạm Ngọc Lanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...