Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Da cam/dioxin - Nỗi đau chưa nguôi

Cập nhật: 07:00 ngày 12/08/2018
(BGĐT) - Đã 57 năm qua từ ngày quân đội Mỹ rải chất độc da cam xuống Việt Nam, hậu quả của nó vẫn còn dai dẳng và để lại di chứng cho nhiều thế hệ. Những cựu chiến binh tóc đã bạc, mắt đã mờ nói về nỗi đau khi phải chứng kiến con cháu mình ngay khi sinh ra đã chết hay sống trong hình hài dị dạng, hằng ngày bị bệnh tật dày vò. Để chăm sóc những nạn nhân da cam, nhiều gia đình tưởng chừng cạn kiệt cả về sức lực và nguồn sống.
{keywords}

Đàm Thị Thu (giữa) 23 tuổi nhưng lúc nào cũng phải có người chăm sóc bên cạnh.

Sống hộ những cuộc đời

Trời mưa nặng hạt, gió giật từng cơn làm cho cánh cửa ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ của gia đình thương binh Đỗ Mạnh Hùng (SN 1950), thôn Nguyễn, xã Trung Sơn, Việt Yên (Bắc Giang) như sắp bị giật tung bất cứ lúc nào. Trong căn nhà ấy, ông ngồi kể câu chuyện cuộc đời mình bằng giọng chậm rãi đượm buồn. 

Năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn ác liệt, ông Hùng nhập ngũ rồi vào chiến đấu tại chiến trường Nam Trung Bộ đến khi đất nước thống nhất. Năm 1975, xuất ngũ về quê với 5 mảnh bom đạn còn trong cơ thể, ông được công nhận là thương binh, bệnh binh. Theo lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông cùng vợ cật lực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Ngôi nhà hiện tại được xây dựng từ những đồng tiền tích cóp nhọc nhằn và có một phần hỗ trợ của đơn vị cũ.

Ông từng đóng quân, chiến đấu ở vùng Mỹ rải chất độc hóa học. Sau khi lấy vợ lần lượt sinh ra năm người con khỏe mạnh, đến tuổi trưởng thành dựng vợ gả chồng, những tưởng mình may mắn không bị nhiễm chất độc da cam như nhiều đồng đội nên ông cũng không đi khám và không làm hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp. 

Nhưng hạnh phúc đã không mỉm cười dài lâu. Người con gái cả của ông Hùng là Đỗ Thị Chung lập gia đình, sinh con gái Đàm Thị Thu có biểu hiện không bình thường, bị bệnh co giật, trí não phát triển chậm. Lần lượt vợ chồng các con thứ ba, thứ tư, thứ năm của ông Hùng sinh ra các cháu nội, ngoại đều bị bệnh tật bẩm sinh như hở van tim, thần kinh, dị dạng… Lúc ấy, ông đau đớn nhận ra hậu quả và di chứng chất độc da cam. 

Trong số 11 người cháu thì có 4 bị dị tật, 2 cháu chết ngay khi sinh trong hình hài không bình thường. Là thương binh, bệnh binh, ông Hùng rất yếu, thường xuyên phải đi viện chữa trị; sức khỏe đã vậy, kinh tế lại gặp nhiều khó khăn. Hai vợ chồng ông vừa làm nông nghiệp vừa thay nhau trông nom các cháu bệnh tật đỡ đần các con để họ có thời gian bươn trải kiếm sống. 

Cháu ngoại Đàm Thị Thu năm nay đã 23 tuổi nhưng lúc nào ông bà cũng phải khóa cổng, để mắt không cho ra ngoài phòng khi không may bị co giật, nguy hiểm đến tính mạng. Ngôi nhà cấp bốn đã xuống cấp không ngăn được những cơn gió mạnh càng làm cho người lính già thêm quặn lòng.

Nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Văn Đệ, thôn Mẫu Sơn, xã Chu Điện (Lục Nam) sinh 5 người con. Cả 5 người đều chịu di chứng, người thiếu răng, cấu trúc xương kém, hay bị gãy, người bị bại não, liệt hoàn toàn hoặc bệnh hoang tưởng, không làm chủ được hành vi, người thì thường xuyên đi viện. Ba trong số 5 người con của ông phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ. Bản thân ông vừa là thương binh vừa mắc ung thư máu. 

“Tuổi đã cao, sức thì yếu nhưng mấy chục năm nay vợ chồng tôi vẫn phải lao động cật lực để duy trì cuộc sống gia đình, chưa một ngày được ngơi nghỉ, bình yên bởi chúng tôi không chỉ sống cuộc đời của mình mà còn phải lo cho các con từ những việc đời thường nhỏ nhặt nhất”. - Ông Đệ nói.

Theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Yên Dũng Nguyễn Hữu Khuy, chúng tôi về thăm chị Lê Thị Sang ở tiểu khu 1, thị trấn Neo (Yên Dũng). Từng có thời gian đi lao động xuất khẩu, vợ chồng chị dành dụm cất được ngôi nhà ống nhưng nay đã xuống cấp.

 Trong ngôi nhà này, hằng ngày, vợ chồng chị cũng đang bị giày vò bởi nỗi đau da cam. Chị Sang kể, năm 1996, chị kết hôn, sinh con đầu lòng Lê Văn Sáng năm 1997. Từ khi sinh ra đến năm 10 tuổi, Sáng vẫn bình thường như các bạn cùng trang lứa nhưng bắt đầu học lớp 5 thì sức khỏe yếu dần, đi lại khó khăn. 

Anh chị liên tục phải đưa con đi bệnh viện, đến lớp 6 thì Sáng nghỉ hẳn vì quá yếu. Từ đó tay chân em teo dần, cơ bị co không thể đi lại. Từ năm 2012 đến nay, Sáng nằm tại chỗ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào bố mẹ.

Bố đẻ của chị Sang - ông Lê Xuân Viện nhập ngũ năm 1966, chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, Nam Bộ và bị nhiễm chất độc hóa học. Chị kể: “May mắn nhất là chị cả còn khỏe mạnh do sinh ra trước khi bố tôi nhập ngũ. Bản thân tôi, anh trai và hai người em đều là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai. Đau yếu nhưng tôi vẫn phải chăm sóc anh và em trai bị bệnh teo cơ. 

Lần lượt anh trai năm 21 tuổi rồi em trai 17 tuổi sau đó là bố tôi đều chết vì chất độc da cam, cậu út thì bị dị dạng bẩm sinh, chết khi mới được hơn một tuổi. Lấy chồng, sinh con đầu lòng khỏe mạnh những tưởng hạnh phúc mỉm cười. Cháu được 3 tuổi, tôi xin đi xuất khẩu lao động nhưng chính vì bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe yếu nên khi đang lao động ở nước ngoài tôi đành phải bỏ dở hợp đồng để về quê”. 

Sáng bị teo cơ, gia đình đưa đi chữa trị tại các bệnh viện lớn ngoài Hà Nội nhưng không khỏi. Nguyên nhân được bệnh viện kết luận do di chứng chất độc hóa học di truyền từ ông ngoại qua mẹ. Để bảo đảm cuộc sống, chị xin đi làm công nhân ở KCN Vân Trung.

Vợ chồng chị phải thay phiên nhau chăm sóc con, khi chị đi làm thì anh ở nhà, ngày chị được nghỉ anh lại tranh thủ đi làm ruộng. Chi phí chữa trị cho cháu mỗi tháng mất hơn 2 triệu đồng, những lúc bệnh nặng phải đưa đi viện, anh chị chạy vạy vay mượn người thân, hàng xóm rồi lại lo gom góp trả nợ.

Chung tay xoa dịu nỗi đau

{keywords}

Lãnh đạo Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh và Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) tặng quà các nạn nhân nhiễm chất độc da cam thế hệ thứ ba.

Bắc Giang không nằm trong vùng bị Mỹ rải chất độc hóa học trong chiến tranh nhưng nỗi đau da cam vẫn luôn hiện hữu ở đâu đó trong góc khuất mỗi làng quê, con phố. Những người như ông Hùng, chị Sang, ông Đệ chỉ là một vài trường hợp trong hàng nghìn hoàn cảnh đau thương.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, vẫn còn 10 xã trong toàn tỉnh chưa được khảo sát hết, vì vậy con số nạn nhân thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư bị di chứng chất độc hóa học rất có thể không chỉ dừng ở 500 người. Là cháu của người trực tiếp tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị tật, dị dạng nhưng hiện nay chưa có quy định về việc giải quyết chế độ hỗ trợ, những trường hợp như Đàm Thị Thu, Lê Văn Sáng đang hưởng trợ cấp dành cho người khuyết tật từ hơn 400 đến hơn 500 nghìn đồng mỗi tháng.

Theo một cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các quy định của Nhà nước về việc xác nhận và giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con cháu của họ thường xuyên thay đổi. Điều kiện thụ hưởng, thủ tục hồ sơ ngày càng chặt chẽ hơn. Vì sức khỏe suy kiệt, đã có nhiều người không thể chờ đợi được.

Nói về hội viên của mình, ông Thân Văn Nhau, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh nhiều lần nhắc đi nhắc lại: “Nạn nhân chất độc da cam là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Có chứng kiến gia cảnh của họ mới thấm thía điều đó. Đau bệnh, chi phí chữa trị tốn kém, mất hoặc giảm sút thu nhập, nhà cửa xập xệ nhưng nhiều gia đình nạn nhân da cam không thuộc diện hộ nghèo vì vẫn có khoản trợ cấp hằng tháng của Nhà nước.

“Hiện nay toàn tỉnh có hơn 6 nghìn nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ nhất, thứ hai được hưởng trợ cấp của Nhà nước và khoảng 500 nạn nhân thế hệ thứ ba chưa được hưởng chế độ, chính sách. Những trường hợp này còn khó khăn về nhà ở, phải có người phục vụ bởi không thể tự chăm lo cho bản thân nên rất cần sự chung tay hành động của toàn xã hội để giúp đỡ, ủng hộ, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân chất độc da cam được cải thiện, vươn lên hòa nhập cộng đồng”. - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đau đáu.

Hơn 5.000 người đi bộ “Vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo”
Sáng 5-8, Chương trình đi bộ “Vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo” đã diễn ra tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, TP Hồ Chí Minh. Chương trình này nhằm quyên góp gây quỹ chăm lo, trợ giúp chăm sóc sức khỏe, cải thiện điều kiện sống cho nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo hưởng ứng Tháng hành động “Vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo (từ ngày 5-8 đến 5-9-2018).
 
Trao học bổng đỡ đầu cho nạn nhân da cam
(BGĐT) - Ngày 23-1, Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin tỉnh Bắc Giang phối hợp với Hội Bảo vệ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin Cộng hòa Pháp (VNED) tổ chức trao học bổng đỡ đầu (6 tháng cuối năm 2017) cho 13 trẻ em bị phơi nhiễm chất độc hóa học thế hệ 2 và 3.
 

Kim Hiếu- Hữu Trình

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...