Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giảm nghèo nhanh nhờ xóa dần cơ chế “cho không”

Cập nhật: 07:00 ngày 30/12/2018
(BGĐT) - Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, nửa chặng đường thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 mang lại kết quả tích cực, vượt mục tiêu đề ra. Một trong những giải pháp được đánh giá có tính chiến lược là dần xóa bỏ cơ chế “cho không”.

Vượt chỉ tiêu đề ra

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh là 2%/năm; riêng huyện Sơn Động theo Nghị quyết 30a của Chính phủ và các xã đặc biệt khó khăn giảm 4%/năm trở lên. Để thực hiện mục tiêu này không đơn giản bởi sau kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020), toàn tỉnh có 60.741 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 13,93%; tăng 28.439 hộ và 6,52% so với năm 2015 (theo chuẩn nghèo cũ).

{keywords}

Nhờ được hỗ trợ và mạnh dạn phát triển mô hình trồng cam, anh Lại Văn Pèng (SN 1974), thôn Khả Lã 2, xã Tân Lập (Lục Ngạn) đã thoát nghèo.

Trước yêu cầu đặt ra, Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Bắc Giang đã điều chỉnh các cơ chế, chính sách trên cơ sở huy động, lồng ghép, phân bổ hợp lý các nguồn lực. Đặc biệt, việc thay đổi phương thức hỗ trợ hộ nghèo, chuyển dần từ “cho không” sang trợ giúp gián tiếp, một phần là giải pháp then chốt trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Bắc Giang, thay vì cho “con cá”, người nghèo sẽ có trách nhiệm hơn với “chiếc cần câu” là vốn sản xuất, cây, con giống, kỹ thuật chăm sóc… Cách làm này tạo động lực cho hộ nghèo phấn đấu xây dựng mô hình kinh tế, có thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững.

Nhờ thống nhất từ chỉ đạo đến giải pháp, sau rà soát, thống kê hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2018, toàn tỉnh còn hơn 33,1 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,29%, giảm hơn 9,5 nghìn hộ và 2,24% so với năm 2017. Như vậy, từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,2 %, vượt 0,2% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.

Với giải pháp thay đổi phương thức hỗ trợ, nhiều địa phương với xuất phát điểm thấp đã bứt phá trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Điển hình là huyện Lục Nam, tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 là 10,1%, giảm 10,9% so với năm 2015. Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện: Huyện dành kinh phí ưu tiên hỗ trợ “sinh kế” cho người nghèo gắn với xây dựng mô hình, dự án sản xuất phù hợp điều kiện thực tế. Ba năm qua, huyện triển khai 23 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế cho khoảng 700 hộ nghèo. Đến nay, các mô hình đều mang lại hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Tạo động lực để hộ nghèo vươn lên

Ngoài các chính sách hỗ trợ chung của Nhà nước về tín dụng, giáo dục, tiền điện, nhà ở…, tỉnh ban hành một số chính sách đặc thù như: Hỗ trợ cho các thôn bản đặc biệt khó khăn nhất tỉnh giai đoạn 2016-2018 theo Nghị quyết số 34/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; trích ngân sách tỉnh hỗ trợ mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo và cho các hộ sản xuất nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình.

Hiện nay, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã trở thành phong trào sâu rộng, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Tại các địa phương, nhờ được giúp sức, nhiều hộ nghèo đã mạnh dạn đầu tư thêm vốn, tự học hỏi để áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Đơn cử như anh Trần Văn Bảo (SN 1981), ở thôn Tam Hiệp, xã An Lập (Sơn Động). Năm 2012, anh Bảo lập gia đình và được bố mẹ cho ra ở riêng với gần 1 ha vườn đồi. Thiếu vốn, kiến thức nên diện tích vải thiều, sắn trồng lâu năm trên đất cằn cỗi mang lại cho gia đình anh lợi nhuận chẳng đáng là bao. Nỗ lực vươn lên, năm 2015, với đồng vốn khởi nghiệp là 80 gốc bưởi đỏ Tân Lạc (từ nguồn hỗ trợ dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo của huyện), anh bàn với vợ dốc hết vốn liếng tích cóp và vay mượn thêm người thân để đầu tư cải tạo đất, đào hố, xây dựng hệ thống tưới nước cho hơn 300 cây bưởi. Anh chăn nuôi thêm gà, lợn, bò. Năm 2017, anh mở rộng thêm diện tích với tổng số 800 gốc bưởi, cam. Anh Bảo chia sẻ: “Dù vẫn còn khó khăn nhưng tôi mong những hộ đã có sinh kế tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo để nhường phần trợ giúp cho những gia đình khó khăn hơn”.

Dù tỷ lệ giảm nghèo hằng năm vượt mục tiêu đề ra nhưng thực tế, số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh hiện tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi và các xã đặc biệt khó khăn. “Đây là vùng “lõi” nghèo cần nguồn lực rất lớn để đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, các điều kiện thiết yếu phục vụ đời sống. Thêm nữa, với trình độ dân trí hạn chế thì việc thay đổi nhận thức, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của bà con là một thách thức không nhỏ”, ông Trương Đức Huấn, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH nói. Thêm nữa, để đạt được mục tiêu “bền vững” trong giảm nghèo thì ngoài việc giảm nhanh số hộ nghèo còn phải hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo mới. Về điều này, bà Trần Thị Thanh Tâm, Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Yên Thế cho biết: Từ năm 2016, trung bình mỗi năm, toàn huyện có hơn 470 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo. Thực tế này chứng tỏ kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững.

Để hoàn thành và vượt chỉ tiêu giảm nghèo, ông Trương Đức Huấn cho rằng, trước tiên, các ngành, địa phương triển khai hiệu quả công tác rà soát, nắm chắc tình hình hộ nghèo, cận nghèo; xác định nguyên nhân chính dẫn đến cái nghèo để có phương thức hỗ trợ phù hợp. Huy động, lồng ghép các nguồn lực nhằm hỗ trợ hộ nghèo sản xuất vì đây là cái gốc để thoát nghèo. Đặc biệt, triển khai hiệu quả hoạt động đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo trên cơ sở đổi mới cơ chế, chính sách trợ giúp theo hướng giảm “cho không”, chuyển sang hỗ trợ có điều kiện, có đối ứng khi tham gia.

Yên Dũng: Tạo đòn bẩy thực hiện mục tiêu giảm nghèo
(BGĐT) - Xác định việc nâng tiêu chí thu nhập là yếu tố quyết định hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm. Cách làm này đã giúp người dân tiếp cận phương thức sản xuất mới, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước thoát nghèo bền vững.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương: Kịp thời đánh giá hiệu quả các mô hình giảm nghèo bền vững để nhân rộng
(BGĐT) - Ngày 29-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương kiểm tra kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, chính sách đặc thù hỗ trợ cho thôn bản đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 34/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; kết quả thực hiện phong trào giảm nghèo; tiến độ rà soát, thống kê hộ nghèo năm 2018. 
 
Giảm nghèo thông tin, nâng cao chất lượng cuộc sống
(BGĐT) - Thực hiện lộ trình chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số, hơn 65 nghìn hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh được hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất. Nhờ đó, việc tiếp cận thông tin của người dân dễ dàng hơn, góp phần không nhỏ thúc đẩy sản xuất, ổn định cuộc sống.
 

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...