Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tảo tần nghề “đồng nát”

Cập nhật: 07:00 ngày 16/03/2019
(BGĐT)- Bao năm qua, nhiều phụ nữ ở xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã gắn bó với nghề thu mua “đồng nát”. Tảo tần mưu sinh, hầu hết các chị đã thoát nghèo, có đời sống khấm khá, xây nhà cao tầng, mua sắm tiện nghi sinh hoạt và nuôi con ăn học.

Ngôi nhà ba tầng hiện đại của gia đình chị Nguyễn Thị Hà (SN 1975), thôn Tân Độ là thành quả vợ chồng chị gây dựng nên từ nghề thu mua phế liệu suốt nhiều năm qua. Đồng ruộng đã ít lại nằm ở vùng trũng chỉ cấy được một vụ không ăn chắc khiến anh chị nhiều đêm trăn trở tìm kế mưu sinh với khát vọng thoát nghèo. Thế rồi, hơn chục năm trước chị Hà sắm chiếc xe đạp, đôi sọt tre “nối nghiệp” các bà, các chị trong làng lên TP Bắc Giang thu mua phế liệu. 

{keywords}

Gia đình chị Đỗ Thị Tặng mở đại lý thu gom phế liệu tại nhà, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động.

Những thứ đồ hỏng, cũ như: Bàn là, quạt, máy bơm nước, dây nhôm, đồng, sắt vụn, giấy, dép rách, túi nilông... được chị mua rồi phân loại đem bán luôn trong ngày cho cơ sở thu gom. Công việc tuy vất vả nhưng theo chị kể thì: "Cứ sáng đạp xe đi, trưa hoặc chiều về là có tiền lãi, hôm ít thì vài chục, hôm nhiều vài trăm nghìn đồng". Giờ đây nhà cửa đã khang trang, con trai, con gái được anh chị cho ăn học và có công việc ổn định. Thỉnh thoảng rảnh rỗi, chị Hà vẫn cùng chị em trong xã thu mua phế liệu vừa có đồng ra, đồng vào lại thấy vui vẻ.

Chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1979), thôn Liễu Đê theo nghề “đồng nát” đã nhiều năm tâm sự: "Một số người nhìn nhận công việc của chúng tôi thiếu thiện cảm nhưng tôi coi đây là nghề kiếm tiền chính đáng bằng mồ hôi, công sức nên không có gì phải xấu hổ. Tuy vậy cũng có một vài mối “khách ruột” hễ có bao bì, đồ hỏng họ lại gọi”. Từ những đồng lãi sau mỗi ngày rong ruổi khắp nơi, rồi tằn tiện tích cóp mà gia đình chị thoát nghèo, giờ có của ăn, của để.

Không ai nhớ nghề thu mua “đồng nát” ở xã Tân Liễu có từ bao giờ nhưng nhiều phụ nữ trung tuổi ở đây kể lại từ ngày còn trẻ đã theo các bà, các chị đến các huyện trong tỉnh Bắc Giang rồi lên Mẹt, Đồng Đăng, Thất Khê (Lạng Sơn) tìm hàng. Vất vả mãi thành quen nhưng quan trọng hơn cả là công việc này giúp họ trang trải cuộc sống, thoát nghèo rồi giờ vươn lên khá giả.

Xã Tân Liễu có hơn 1,5 nghìn hộ, sinh sống ở 3 thôn: Tân Độ, Liễu Đê, Liễu Nham. Từ một xã có tới 82,4% hộ nghèo (năm 2001), đến năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn hơn 5%. Chị Phạm Thị Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho hay, “không ai khó ba đời”, nghèo mãi rồi cũng phải tìm ra lối thoát. Từ những chuyến nay đây mai đó mà nhiều chị em học hỏi kinh nghiệm làm ăn, tích lũy vốn liếng, khi có cơ hội thì mạnh dạn chuyển đổi nghề mới. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hội viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận vốn vay để phát triển kinh tế. Thông qua 7 tổ vay vốn, Hội đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân gần 13 tỷ đồng cho 304 hộ có phụ nữ vay lãi suất thấp, mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ.

Mạnh dạn vay vốn và chuyển đổi sản xuất, nhiều chị em đã vươn lên, làm giàu trên chính quê hương từ nền tảng của nghề thu mua phế liệu. Như chị Nguyễn Thị Lan (SN 1981), thôn Liễu Nham. Nhà ở chân núi Non Vua, trước đây, chị có mơ cũng không nghĩ có ngày sẽ thoát nghèo. Nhờ thời gian dài thu mua phế liệu, anh chị tích cóp tiền mua được đất rồi xây nhà. Ba năm trở lại đây, anh Thơm (chồng chị) có thêm nghề lái máy cày phục vụ bà con ngày mùa, chị Lan cũng sắm chiếc xe máy bán đồ gia dụng tại thị trấn Neo. Cuộc sống khấm khá lên từng ngày. Gần nhà chị Lan còn có chị Đỗ Thị Tặng nay mở cơ sở thu mua phế liệu quy mô lớn. Không chỉ xây nhà cao tầng, mua ô tô du lịch, vợ chồng chị còn có thêm xe tải đi thu mua phế liệu ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn tập kết tại nhà rồi phân loại, cung cấp cho các công ty tái chế; hằng tháng giải quyết việc làm 7 lao động.

Giờ đây, trên con đê Tân Liễu không còn hình ảnh từng nhóm bốn, năm chị em đi xe đạp cà tàng, sau đèo đôi sọt, quang gánh liêu xiêu. Những ai còn theo nghề này đã có xe máy để đi đến những làng quê xa hơn, thu mua nhiều đồ hơn. Hằng ngày, các chị len lỏi vào từng ngõ ngách, không chỉ mang lại thu nhập cải thiện cuộc sống mà còn góp phần thiết thực giảm ô nhiễm môi trường, nhất là ở những nơi đông dân cư, có lượng rác thải sinh hoạt lớn.

Rượu Chivas giả: Vỏ “đồng nát”, ruột rượu Lào
Trong thời gian chờ thi hành án về tội buôn bán rượu ngoại giả, Trần Thị Thanh Hoa tiếp tục cùng chồng thực hiện công nghệ sản xuất rượu Chivas giả từ rượu Lào. Số rượu giả được vợ chồng Hoa mang đến các cửa hàng chuyên kinh doanh rượu ngoại tiếp thị với lý do gia đình có người làm to, được biếu nhưng dùng không hết nên bán rẻ...
 
Nhiều cơ sở thu mua phế liệu “quên” bảo vệ môi trường
(BGĐT) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có hàng trăm cơ sở thu mua phế liệu. Tuy nhiên có khá nhiều cơ sở tự phát, không tuân thủ các quy định về môi trường, gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm, cháy nổ.
 
Gom rác phế liệu, lợi cả đôi đường
(BGĐT) - Chị Mai Thị Hoa (SN 1983), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên (Bắc Giang) được nhiều người biết đến là cán bộ năng động, có nhiều đóng góp trong xây dựng và nhân rộng mô hình phân loại rác tại địa phương.
 
Đốt phế liệu gây ô nhiễm môi trường
(BGĐT) - Trưa 2-8, tại thôn 19, xã Xương Lâm (Lạng Giang) người dân phát hiện hai đối tượng đi xe gắn máy vào đốt đống phế thải được đổ trộm từ trước gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân địa phương bức xúc. 
 

Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...