Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31-5: Truyền thông mạnh mẽ, chế tài nghiêm khắc

Cập nhật: 10:51 ngày 31/05/2019
(BGĐT) - Với hơn 7 nghìn chất hóa học, trong đó có 69 chất là tác nhân gây ung thư, thuốc lá có thể gây ra hơn 25 căn bệnh nguy hiểm cho người hút và những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc. Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5, phóng viên Báo Bắc Giang phỏng vấn ông Trần Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở Y tế về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. 

Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến gì kể từ khi Luật PCTHTL có hiệu lực, thưa ông?

Khi Luật PCTHTL có hiệu lực (ngày 1-5-2013), UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1309/KH-UBND ngày 30-5-2013 về việc thực hiện Chiến lược quốc gia PCTHTL đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. 

{keywords}

Tuyên truyền phòng, chống thuốc lá tại Trường THCS Cao Thượng (Tân Yên).

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới từ 47,4% (2011) xuống còn 39%; ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) từ 26% (2011) xuống 18%; ở nữ giới giảm còn dưới 1,4%. 

Cùng đó là Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược quốc gia về PCTHTL giai đoạn 2014-2020 tỉnh Bắc Giang; phân công nhiệm vụ cho cơ quan thường trực, ngành thành viên, tổ giúp việc. Việc thực hiện Luật PCTHTL được chính quyền và ngành chức năng các cấp của tỉnh vào cuộc nghiêm chỉnh, tích cực.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh giúp người dân tiếp cận đầy đủ thông tin hơn qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về tác hại của thuốc lá; làm chuyển biến ý thức, hành vi bảo vệ bản thân, những người xung quanh và môi trường sống.

So sánh kết quả điều tra năm 2015 và năm 2018 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã giảm rõ rệt, cụ thể: Tỷ lệ hút thuốc hiện nay là 22,9% (năm 2015 là 24,6%); trong đó ở nam giới là 40,2% (năm 2015 là 47,5%), ở nữ giới là 1,4% ( năm 2015 là 1,7%).

Xin ông cho biết những biện pháp mà ngành y tế tỉnh đã triển khai để PCTHTL?

Ngành y tế đã triển khai nhiều hoạt động thường xuyên và liên tục như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, trên website của ngành. Đồng thời tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo cho cán bộ sở, ban, ngành của tỉnh; cung cấp các sản phẩm truyền thông; mít tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5 hằng năm.

Các hoạt động trên đã giúp nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, nắm được quy định của Luật PCTHTL để chấp hành. Qua đó giúp người đứng đầu và cán bộ làm công tác PCTHTL tại các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng các tiêu chí xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc; tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động PCTHTL như: Thanh tra, công an về tác hại của thuốc lá, các quy định của Luật PCTHTL và văn bản hướng dẫn.

Được biết Ngày Thế giới không thuốc lá 31-5-2019 có chủ đề “Thuốc lá và bệnh về phổi”. Đề nghị ông cho biết rõ hơn về chủ đề này.

Lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và bệnh về phổi”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) muốn thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về phổi, đồng thời kêu gọi có các hành động kịp thời nhằm giảm nguy cơ tử vong do các bệnh về phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Theo WHO, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. 90% trong tổng số 600 nghìn người mắc ung thư phổi hằng năm trên thế giới là người hút thuốc lá; 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có nguyên nhân do hút thuốc lá.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bệnh viện Ung bướu Trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Thưa ông, Luật PCTHTL đã quy định song việc hút thuốc ở nơi có biển cấm vẫn diễn ra mà hiếm thấy ai bị phạt. Vậy theo ông, trước thực tế này cần làm gì để luật được thực thi nghiêm minh hơn?

Mặc dù đã có nhiều giải pháp kêu gọi người dân nói không với thuốc lá nhưng công tác PCTHTL còn gặp rất nhiều khó khăn vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, giá bán rẻ, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới vẫn rất cao, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá của người dân còn hạn chế.

Trước thực tế này, cần có sự quan tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và của người dân tại cộng đồng; nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong công tác PCTHTL. 

Tăng cường nguồn nhân lực làm công tác PCTHTL; thường xuyên cập nhật nâng cao kiến thức của cán bộ nòng cốt để triển khai các hoạt động, đa dạng và bảo đảm các hoạt động PCTHTL được bao phủ rộng rãi đến mọi đối tượng, nhất là tại những vùng nông thôn có điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế. 

Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm các hoạt động PCTHTL.

Xây dựng những mô hình điểm về "Môi trường không khói thuốc" tại các cơ quan, đơn vị, nhà hàng, cụm dân cư... Đưa nội dung về PCTHTL vào nội quy của cơ quan và tiêu chí thi đua của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Khen thưởng, động viên các tập thể và cá nhân có thành tích tốt trong công tác PCTHTL, đồng thời có biện pháp kỷ luật đối với những tập thể, cá nhân vi phạm. Thường xuyên phát hiện, nhân rộng những cách làm hay, những điển hình trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người học tập.

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động tiếp thị, quảng cáo của các công ty thuốc lá dưới nhiều hình thức. Từng bước thu hẹp dần công suất của các nhà máy thuốc lá trong nước; kiểm soát chặt chẽ việc buôn lậu thuốc lá; duy trì nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động PCTHTL, kiên trì từng bước trong công tác PCTHTL tại địa phương.

Xin cảm ơn ông!

WHO: Mỗi năm thuốc lá giết chết ít nhất 8 triệu người
Ngay trước Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mong muốn thu hút sự chú ý đến các tổn thất do thuốc lá gây ra đối với sức khỏe của phổi. Hơn 40% các trường hợp tử vong liên quan đến thuốc lá là do các bệnh về phổi như: Ung thư, bệnh hô hấp mãn tính và bệnh lao.
 
Từ bỏ thuốc lá để có hàm răng chắc khỏe
(BGĐT) - Theo các nha sĩ hút thuốc lá không chỉ gây ố vàng, xỉn màu hàm răng mà còn tăng nguy cơ ung thư sàn miệng. Người hút thuốc lá có thể mắc nhiều chứng bệnh về răng miệng cao gấp 3-6 lần. 
 
Từ bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe sinh sản
(BGĐT)- Khói thuốc lá tác động xấu đến sức khỏe sinh sản (SKSS) của cả phụ nữ và nam giới dù là trực tiếp hút hay bị phơi nhiễm bởi môi trường xung quanh. Phóng viên Báo Bắc Giang đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Hà Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bắc Giang về vấn đề này.
 
Xử phạt vi phạm hành chính khi hút thuốc lá tại địa điểm cấm
(BGĐT) - “Tôi được biết, theo quy định một số địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người hút thuốc lá ở đây. Như vậy, người vi phạm sẽ bị xử phạt như thế nào?”- Chị Nguyễn Mai Linh, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang).
 
Kim Hiếu (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...