Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đông người

Cập nhật: 09:09 ngày 22/07/2019
(BGĐT) - Hiện nay, bữa cỗ đông người diễn ra hằng ngày nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ các điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc tập thể. Đây là nỗi lo chung của nhiều gia chủ và cả những người được mời dự tiệc.

Tiềm ẩn nguy cơ

Hiện nay, mỗi khi nhà có cỗ, nhiều gia đình, nhất là ở thành phố, thị trấn thường giao phó cho các đội nấu cỗ thuê. Mặc dù chưa có con số thống kê đầy đủ về các cơ sở nấu cỗ thuê nhưng không khó để tìm người cung cấp dịch vụ này. Hầu hết các đội nấu cỗ thuê hình thành tự phát, chưa qua đào tạo thực hành ATTP. 

{keywords}

Người bày cỗ dùng tay không rắc gia vị lên món ăn tại một đám cưới ở TP Bắc Giang.

Bà Nguyễn Thị Thục, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) làm nghề nấu cỗ thuê nhiều năm cho biết: “Giữa chủ và nhóm làm dịch vụ nấu cỗ thường chỉ thỏa thuận miệng về thực đơn, số mâm, giá cả chứ không có hợp đồng cam kết trách nhiệm bảo đảm vệ sinh ATTP. Tuy nhiên, chúng tôi phải giữ uy tín nên luôn chú trọng khâu lựa chọn, bảo quản thực phẩm để phục vụ đông người, nhất là mùa nắng nóng. 

Do đặc thù dịch vụ nấu cỗ là lưu động, không có địa điểm cố định nên thường sơ chế nguyên liệu trước khi vận chuyển đến nơi tổ chức đám cỗ nên việc bảo quản rất quan trọng". Mặc dù vậy, quá trình vận chuyển thực phẩm dễ bị nhiễm khuẩn do thức ăn sống chín lẫn lộn, không được che đậy hay bảo quản lạnh; tận dụng những món ăn còn từ mâm trước dồn sang mâm sau khiến nguy cơ nhiễm khuẩn càng cao.

Ở nông thôn, miền núi, bữa cỗ thường do gia đình, người thân, hàng xóm tự chế biến. Mặc dù phục vụ vài trăm suất ăn nhưng khu vực nấu nướng thường tạm bợ, vị trí chế biến thực phẩm chưa phù hợp, nhiều gia đình quây bạt, bày cỗ gần chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, hồ ao, thiếu dụng cụ che đậy. 

Một cán bộ giám sát ATTP của Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Theo quy định, nơi chế biến thực phẩm cho từ 30 người ăn trở lên phải lưu mẫu thức ăn hàng ngày. Tuy nhiên hiện chỉ những khách sạn, nhà hàng mới chấp hành còn các đội nấu cỗ lưu động, gia đình có cỗ hầu như không thực hiện. Khi xảy ra sự cố rất khó xác định căn nguyên.

Chú trọng khâu kiểm tra

Theo thống kê của Chi Cục ATVSTP tỉnh, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngộ độc tập thể từ bữa cỗ. Nguyên nhân là do người nấu cỗ và các gia đình chưa tuân thủ quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP trong khâu chế biến, bảo quản, trong khi đám cỗ đông người, bữa ăn kéo dài, thời tiết nắng nóng. 

Ngành y tế triển khai giám sát một số nhóm thực phẩm được sử dụng phổ biến hằng ngày tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Chi cục ATVSTP tỉnh lấy mẫu giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm đợt 1 vào tháng 8-2019, đợt 2 vào tháng 10-2019 ở TP Bắc Giang, huyện Yên Thế và Việt Yên.

Khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã phát hiện một số món ăn nhiễm khuẩn tụ cầu vàng gây ngộ độc hàng loạt. Ví như vụ ngộ độc thực phẩm tại đám cưới ở xã Ngọc Lý (Tân Yên) vào tháng 6-2019; 3 đám cỗ diễn ra cùng ngày ở xã Đồng Phúc, Đức Giang (Yên Dũng) vào tháng 6-2014 đều đặt món ăn ở một cơ sở làm bánh thuộc xã Đồng Phúc do vi sinh vật phát triển vượt ngưỡng cho phép ở món bánh dày.

Tại hội nghị đánh giá sơ kết 6 tháng đầu năm về ATTP, ông Dương Ngô Mạnh, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) liên ngành về ATTP huyện Tân Yên cho biết: "Sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại đám cỗ trên địa bàn, lãnh đạo UBND huyện kiểm điểm, phê bình, nhận trách nhiệm về việc rà soát, thống kê cơ sở thực phẩm ở nhiều xã chưa đầy đủ, chưa sát sao quản lý cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ, các tổ nấu cỗ thuê. 

Thời gian tới, huyện xác định đặt công tác ATTP lên hàng đầu trong nhiệm vụ quản lý nhà nước, chỉ đạo các phòng, ngành, xã, thị trấn tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh”.

BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh đánh giá, mặc dù công tác quản lý nhà nước đã được quan tâm nhưng vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả cao, còn để xảy ra sự cố mất ATTP. Thực tế, các huyện, TP chưa sát sao kiểm tra vệ sinh ATTP tại các bữa cỗ đông người; chưa kiên quyết xử lý vi phạm về ATTP; không ít cơ sở sản xuất thực phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP nhưng vẫn hoạt động. 

Cán bộ làm công tác ATTP ở cấp xã chủ yếu kiêm nhiệm, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ; chưa nắm bắt, thống kê được đầy đủ các cơ sở dịch vụ nấu cỗ thuê; khi đi giám sát, kiểm tra cũng chỉ bằng cảm quan, chưa thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm đánh giá chất lượng thực phẩm.

Ông Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, Phó trưởng Ban thường trực BCĐ liên ngành về ATTP tỉnh cho biết: Mỗi gia đình, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP để bảo vệ sức khỏe. Trong thời gian tới, BCĐ yêu cầu các huyện, TP tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm có nguồn gốc từ tinh bột, nhất là các điểm làm bánh dày.

Rà soát các tổ nấu cỗ thuê, kiểm tra sức khỏe định kỳ, tổ chức bồi dưỡng kiến thức ATTP cho người nấu cỗ. Yêu cầu các gia đình ký cam kết bảo đảm ATTP trong tổ chức tiệc cưới. Thành lập các tổ giám sát của xã đến các hộ tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí ATTP. Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra liên ngành, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

3 người tử vong nghi do ngộ độc rượu ngâm hạt cây rừng
Nhóm 5 người đi rừng sau khi uống rượu ngâm với hạt cây thì có biểu hiện ngộ độc. Khi được phát hiện thì 3 người đã tử vong, 2 nạn nhân còn lại trong tình trạng nguy kịch.
Vụ 76 người ngộ độc thực phẩm tại Tân Yên: Cơ sở sản xuất bánh dày bị phạt 12,5 triệu đồng
(BGĐT) - Ngày 1-7, Chủ tịch UBND huyện Tân Yên đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng đối với chủ cơ sở sản xuất bánh dày tại thôn Tân Hòa, xã Hợp Đức do chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm (ATTP) theo quy định của pháp luật. 
Vụ 76 người ngộ độc thực phẩm ở Tân Yên: Đề nghị xử phạt cơ sở sản xuất bánh dày
(BGĐT) - Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP và truy xuất nguồn gốc thực phẩm huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất bánh dày của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hà (tên thường gọi là Vinh) tại thôn Tân Hòa, xã Hợp Đức (Tân Yên) và phát hiện một số vi phạm.
Gần 40 người bị ngộ độc sau khi ăn giỗ tại nhà hàng xóm ở Hà Tĩnh
Sau khi ăn giỗ với các món tôm, mực, thịt lợn, thịt gà…, nhiều người bỗng có biểu hiện đau bụng, đi ngoài, nôn mửa phải đưa đi cấp cứu.

Minh Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...