Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhọc nhằn nơi đất khách

Cập nhật: 07:00 ngày 06/04/2019
(BGĐT) - Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 58 nghìn lượt lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, là tỉnh có số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tốp đầu cả nước. Nguồn kiều hối do lao động gửi về đã góp phần đáng kể giúp các gia đình cải thiện đời sống, xa hơn là bổ sung nguồn lực cho phát triển KT-XH. Tuy nhiên, phía sau những đồng ngoại tệ là bao nhọc nhằn, gian khó…

Vất vả nơi xứ người

Trung bình mỗi năm, lượng kiều hối lao động Bắc Giang đi làm việc ở nước ngoài gửi về từ 100 - 170 triệu USD. Thành quả đó hiển hiện ở những ngôi nhà cao tầng khang trang, đời sống trong các gia đình có người thân đang lao động ở nước ngoài đủ đầy hơn trước. 

{keywords}

Một góc xã Tiên Lục (Lạng Giang) - nơi có nhiều lao động làm việc ở nước ngoài.

Cũng từ nguồn tiền gửi về đã góp phần để những con đường bê tông ở nhiều làng quê thêm rộng dài, ngõ xóm thêm phần sạch đẹp. Có cơ hội được trò chuyện với những lao động đã, đang làm việc ở xứ người, chúng tôi phần nào hiểu thêm về cuộc sống, công việc của họ nơi xứ người.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (SN 1989) ở xã Hương Lạc (Lạng Giang) có 8 năm lao động ở Đài Loan. Năm 2011, được người quen giới thiệu, Ngọc xin bố mẹ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Đài Loan với mong muốn kiếm được khoản tiền giúp đỡ gia đình. Vay mượn mãi, cuối cùng gia đình cũng lo đủ số tiền gần 200 triệu đồng để chị xuất cảnh làm công nhân tại một doanh nghiệp điện tử. Tại đây, chị và những lao động khác làm việc 8 tiếng/ngày, có hôm tăng ca lên 10- 11 tiếng. Công việc vất vả nhưng bình quân thu nhập chỉ khoảng 8 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí, tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng. 

Để kiếm thêm, cô gái mới ngoài 20 tuổi phải tăng ca vào ngày nghỉ, dịp lễ tết của nước bạn bằng công việc trồng rau, nhổ cỏ thuê, mỗi tiếng cũng kiếm thêm được vài trăm nghìn đồng tiền Việt; ngày không có người thuê thì khoác bao tải đi nhặt sắt vụn về bán. "Ở bên này, bất đồng ngôn ngữ, người ta lại quản lý mọi thứ chặt chẽ lắm nên kiếm việc làm thêm hay gom phế liệu bán lấy tiền chẳng dễ dàng gì", Ngọc ngậm ngùi.

Ngoài XKLĐ, nhiều người Việt sang Nhật Bản làm việc theo hình thức du học sinh. Anh Nguyễn Văn Linh (SN 1989) rời vùng quê vải thiều Lục Ngạn sang Nhật Bản du học. Theo tính toán, mỗi năm Linh phải nộp 650 - 900 nghìn yên (tùy diện học) - dao động khoảng 130-180 triệu đồng học phí. 

Để bảo đảm an toàn khi xuất khẩu lao động, người dân cần tìm hiểu kỹ thị trường lao động, ký hợp đồng với những DN được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cấp phép. Hiện danh sách các DN đăng tại website: https://sldtbxh.bacgiang.gov.vn/xuat-khau-lao-dong. Khi cần hỗ trợ, người dân liên hệ tới số điện thoại: 0204.3529.266 (Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) hoặc Phòng LĐ-TB&XH các huyện, TP.

Ngoài 8 tiếng học tại trường, thời gian rảnh, anh tranh thủ đi làm thêm tại một nhà hàng cách nơi ở gần 6 km. "Ban ngày đi học, đêm đi làm, tôi chỉ chợp mắt vài giờ vào lúc rạng sáng. Khi về đến phòng người cũng mệt nhoài, chả thiết ăn uống, tắm giặt, học hành", Linh tâm sự. 

Áp lực học tập cùng với việc kiếm tiền trang trải học phí khiến nhiều du học sinh phải trốn ra ngoài đi làm thêm song rủi ro rất cao. Nếu bị phát hiện, tùy vào mức độ vi phạm mà bị xử phạt, thậm chí bị đuổi về nước.

Nỗi niềm không biết tỏ cùng ai

Sống giữa đất nước xa lạ, khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, người lao động luôn đau đáu nỗi nhớ nhà da diết. Hằng ngày, sau khi hoàn thành công việc chăm sóc người già tại Trung tâm dưỡng lão ở Đài Loan, chị Nguyễn Thị Hậu (SN 1982), xã Đông Phú (Lục Nam) lại ngồi ngắm ảnh cô con gái 5 tuổi mà khóc thầm.

Chị tâm sự, bản thân chưa khi nào mường tượng rằng đi XKLĐ lại vất vả như thế. Những gì công ty môi giới từng vẽ ra có thể là ở một thế giới khác. "Nhiều khi tôi chẳng thể tin được rằng mình lấy đâu ra nhiều sức lực đến thế để có thể hoàn thành một danh sách dài những công việc nặng nhọc. 

Mỗi ngày, ngoài phục vụ vệ sinh cá nhân, cho ăn uống, tôi và nhiều lao động người Việt tại Trung tâm còn phải đưa từ 8-10 người cao tuổi đi dạo trong khuôn viên. Gặp trường hợp nằm liệt lâu năm thì riêng việc nâng lên ngồi xuống thôi cũng đủ thở hắt ra", chị Hậu tâm sự. 

Nhưng có lẽ, sự vất vả, nhọc nhằn của công việc còn dễ vượt qua hơn là nỗi nhớ nhà. Có hôm người thân gọi sang báo con ốm, phải nằm viện điều trị. Thương con mà chẳng thể làm được gì, chị chỉ biết lao đầu làm việc kiếm tiền, mong ngày hồi hương với khoản vốn đủ lo cho cuộc sống của con sau này.

Chỉ cần có chiếc điện thoại di động kết nối Internet là có thể dễ dàng trò chuyện và nhìn thấy người thân, vậy nhưng thời gian làm việc chiếm phần lớn, lại chưa kể chênh lệch múi giờ nên lao động tại nước ngoài cũng ít khi gọi về cho gia đình. 

Trò chuyện với chúng tôi qua Facetime, chị Đỗ Thị Hiền (SN 1983) ở phường Trần Phú (TP Bắc Giang) buồn rầu kể, mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng là cao so với trong nước nhưng ở Nga, các dịch vụ rất đắt đỏ, chị phải tiết kiệm tối đa các chi phí. 

Đến phòng ở chị cũng phải thuê chung với một cặp vợ chồng khác. Biết là bất tiện bởi phòng hẹp, hai giường chỉ ngăn nhau bằng rèm vải nhưng để ý thấy ở đây, người nào cũng ở ghép cho đỡ tiền. Ngay cả việc cắt tóc, chị em trong phòng cũng đều tự túc. 

{keywords}

Nhiều lao động người Việt ở chợ Liu, Thủ đô Matxcơva (Nga) làm việc vất vả để có thêm thu nhập gửi về cho gia đình. 

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Như lời chị Hiền, mỗi lần gọi điện, mọi người ở quê đều hỏi nước Nga thế nào, cảnh có đẹp như trong phim không mà chẳng biết trả lời thế nào. Bởi ngoài con đường đi từ phòng trọ đến nơi làm việc và tới các siêu thị quanh khu vực để mua đồ dùng lúc thật cần thiết, chị chỉ ở nhà ăn, ngủ, lướt web, tiết giảm tối đa chi phí để còn dành dụm gửi tiền về quê.

Nẻo về cũng lắm gian truân

Khi đặt chân sang nước bạn, mục tiêu của người lao động là kiếm tiền để cuộc sống tốt hơn mà đâu ngờ hết những hiểm nguy rình rập. Dù chưa có con số thống kê từ các cơ quan, doanh nghiệp nhưng mỗi năm vẫn có thông tin về trường hợp lao động Việt Nam bị tai nạn thương tích hoặc tử vong khi đi XKLĐ.

Từng có hơn một năm sống chui lủi tại Hàn Quốc do hết hạn hợp đồng mà không về nước, anh Lê Xuân Công (SN 1977), thôn Phi Mô, xã Phi Mô (Lạng Giang) kể: Đó là những tháng ngày vất vả hơn bao giờ hết. Cả tháng trời chỉ ở trong nhà trọ mà không dám ra ngoài. Có hôm đang đi mua đồ ăn thấy bóng cảnh sát tuần tra là chạy thục mạng. “Chẳng trốn được lâu, cuối cùng tôi cũng bị bắt trong một đợt truy quét và bị trục xuất về nước”, anh Công cho hay. 

Hay trường hợp chị Nguyễn Thị Mùi (SN 1991) ở xã Vô Tranh (Lục Nam) vừa mất tại Đài Loan. Vợ chồng chị cùng sang lao động được một thời gian rồi ra ngoài lao động bất hợp pháp. Cuối tháng 1 vừa qua, trên đường đi làm về không may xảy ra tai nạn giao thông khiến chị bị chấn thương sọ não không qua nổi, còn chồng gãy chân, tay. 

Anh Phùng Đình Trọng, Chủ nhiệm Hội đồng hương Bắc Giang tại Đài Loan thông tin: “Ở nhà mọi người cứ nghĩ sang bên này kiếm tiền dễ dàng nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Nhiều lao động bị môi giới bắt chẹt thu phí cao hoặc khi sang đến đây công việc không giống như trong hợp đồng, phải làm việc quá sức, ngôn ngữ chưa thành thạo khiến họ gặp vô vàn khó khăn. Hội chúng tôi thành lập được 10 năm nhằm phần nào giúp những người Bắc Giang chia sẻ, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn”.

Có lẽ, với nhiều người, XKLĐ là con đường kiếm tiền nhanh, dễ dàng. Nhưng họ đâu biết rằng, với nhiều rào cản hoặc sự thiếu hiểu biết khi lựa chọn doanh nghiệp môi giới không có uy tín thì việc sống và làm việc ở nước ngoài là vô cùng vất vả, cực nhọc. Đó là chưa kể chuỗi ngày sinh hoạt thiếu thốn trong những căn phòng chật chội và bữa cơm qua loa. 

“Việc làm hấp dẫn, lương cao ở nước ngoài là lý do thu hút nhiều lao động Việt Nam, trong đó có Bắc Giang. Nhưng hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn lựa, nhất là chọn lựa doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín. Đừng vội đánh đổi những giọt mồ hôi, nước mắt, có khi là cả tính mạng của mình để lấy những đồng ngoại tệ nơi xứ người”, ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nói.

Cảnh báo tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động lợi dụng chương trình IM Japan
Trước tình trạng lừa đảo, thu tiền trái phép của người lao động với thủ đoạn "theo chương trình IM Japan", Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) vừa phát đi cảnh báo tới người lao động.
 
Hỗ trợ xuất khẩu lao động cho hộ nghèo, dân tộc thiểu số: Mang lại cuộc sống ấm no
(BGĐT) - Trong các nhóm giải pháp giảm nghèo thì giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động (XKLĐ) mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ hướng đi này, nhiều lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sau khi được tiếp cận chính sách ưu đãi của Nhà nước đã có cuộc sống no ấm, đầy đủ.
 
Thu hồi giấy phép của 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), đến nay có 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động (DN XKLĐ) đã bị thu hồi giấy phép. Cả nước có hơn 290 DN XKLĐ đang hoạt động.
 
Cạnh tranh không lành mạnh làm tăng chi phí của người đi xuất khẩu lao động
Số liệu thống kê của Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về xuất khẩu lao động (XKLĐ) cho biết, trong 3 năm 2014-2016, tổng số LĐ đi làm việc ở nước ngoài đạt gần 350.000 người. 
 
Xuất khẩu lao động: Hướng đến thị trường chất lượng cao
(BGĐT) - Năm 2016, xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh Bắc Giang vượt kế hoạch. Năm nay, ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tập trung khai thác một số thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức... mở rộng cơ hội việc làm thu nhập cao cho lao động có tay nghề.
 

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...