Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Họ là những người lính!

Cập nhật: 07:00 ngày 27/07/2019
(BGĐT) - Vui vẻ, lạc quan và chân thành, đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với những thương binh nặng ở Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang). Nếu không giới thiệu trước, không ai có thể nghĩ họ mất đi ít nhất 81% sức khỏe, thậm chí có người mất tới 94%. Đơn giản, bởi nói như các anh, họ là những người lính!

Câu chuyện một thời khói lửa

Chị Nguyễn Thị Kim Liên - Giám đốc Trung tâm đưa chúng tôi tới thăm phòng của ba thương binh nặng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng trọn đời ở đây. Thương binh 1/4 Bùi Ngọc Sinh (sinh năm 1957) vui vẻ giới thiệu:

{keywords}

Từ phải sang: Các thương binh Nguyễn Thanh Hùng, Bùi Ngọc Sinh, Nguyễn Văn Quang trò chuyện cùng nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh.

- Tôi quê ở xã Đức Long, huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Còn anh Nguyễn Văn Quang (sinh năm 1958) quê Yên Thế, anh Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1961) quê Tân Yên; tựu chung đều Hà Bắc mình cả. Chúng tôi có một điểm chung là đều ở Trung tâm từ năm 1991, gắn bó với cô Liên như người thân rồi!

- Mời nhà báo uống trà bản Ven quê tôi đấy!

Anh Quang tiếp lời và với tay đưa tôi chén trà thơm nóng hổi. Lúc này tôi mới biết anh Quang bị mất toàn bộ hai mắt; anh Sinh bị chấn thương cột sống, chân tay co quắp, ngón còn ngón mất; còn anh Hùng bị mất đùi bên phải.

Anh Sinh tiếp lời:

- Ba chúng tôi bị thương ở ba trận đánh khác nhau. Tôi bị thương trong trận chiến đấu với Pôn-Pốt ở chiến trường Campuchia năm 1979, lúc ấy đồng đội ai cũng tưởng chết rồi; thế mà sau hai năm điều trị, qua bao cuộc phẫu thuật, bao bệnh viện, chiến trường, tôi may mắn sống sót trở về. 

Anh Quang bị thương khi đi gỡ mìn cũng năm 1979 ở Cao Bằng. Đồng đội ba người hy sinh; còn mình anh ấy vĩnh viễn mất đi đôi mắt, thủng nhĩ, chân tay thương tật. Anh Hùng bị thương sau này (năm 1988) ở biên giới Lạng Sơn khi đi phục vụ chiến đấu. Đẹp trai, to cao, lẽ ra đi làm diễn viên được thế mà mất một chân, thương tích đầy mình…

Nói về chiến tranh, thương tật mà các anh vẫn lạc quan, khôi hài nhưng qua câu chuyện, trong sâu thẳm, chúng tôi biết họ đã phải trải qua những tháng ngày gian nan, vất vả và không mấy dễ dàng.

Bị mất đi một phần cơ thể, mất tới 94% sức lao động như anh Quang, anh Sinh và anh Hùng 81%, mỗi khi trái gió trở trời là vết thương hoành hành, thời gian đầu làm gì cũng phải phụ thuộc người thân khiến nhiều lúc các anh cảm thấy bi quan, chán nản, thậm chí vô dụng. Chưa kể, lúc ấy, họ toàn thanh niên trai tráng, tuổi ngoài đôi mươi mà thương tật thế này, liệu có ai thương để nên duyên chồng vợ.

Đúng là ông trời không lấy đi của ai tất cả. Anh Hùng sau khi đi điều dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) về đã cảm mến cô y tá hiền thục và “kéo” được cô về quê xây dựng cuộc sống mới. 

Các thương binh Bùi Ngọc Sinh, Nguyễn Văn Quang và Nguyễn Thanh Hùng là 3 trong số 14 thương binh nặng tiêu biểu của tỉnh vinh dự đi dự hội nghị Gặp mặt thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc diễn ra từ ngày 23 đến 25-7 tại Thủ đô Hà Nội.

Anh chị có với nhau ba người con; con gái đầu theo nghiệp bố, sĩ quan Bộ CHQS tỉnh, hai con trai ngoan ngoãn, khỏe mạnh, cháu nội ngoại đầy đủ. Anh Sinh và anh Quang lấy vợ ở quê, đảm đang, nết na cùng các anh chu toàn nội ngoại. Mỗi anh đều có ba con trai và thật hạnh phúc khi con của các anh đều noi gương bố, tự lập, rắn rỏi và trưởng thành.

Vượt lên chính mình

Để có được một tinh thần lạc quan và cuộc sống ổn định như bây giờ, hơn ai hết, những người lính năm xưa đã tự vượt lên chính mình, thực sự là những “thương binh tàn mà không phế”, anh Quang kể:

- Tôi bị mù hai mắt nhưng những việc như nuôi lợn, thả gà, cơm nước, giặt giũ, trông con, tôi làm chả kém ai. Thậm chí, trước đây hằng tuần đi đi về về từ Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành hay Quế Nham về quê, phải đi bộ rồi qua đò, qua phà, tôi vẫn một mình mò mẫm chống gậy đi được.

Khi kinh tế dần ổn định, các con đang tuổi ăn tuổi học thì vợ anh mắc bệnh hiểm nghèo. Đằng đẵng bốn năm, anh đưa chị đi khắp các bệnh viện chữa trị, vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa lo kinh tế, vừa bảo ban con cái học hành. Năm 2017, vợ anh mất. 

Anh bảo: “Nhiều đêm tôi nuốt nước mắt vào trong nhưng tự nhủ, mình không được khóc, không được yếu đuối để làm chỗ dựa cho các con. Chúng nó cần có mình”. Người thường nuôi một, hai con đã vất vả, đằng này, anh ba con trai, bản thân thương tật, hỏng mắt, vậy mà con anh đứa nào đứa đấy học hành đỗ đạt, hiếu thảo, siêng năng.

Anh Sinh lại có những tâm sự rất chân thành. Anh kể: Thời trai trẻ, mình nghiện thuốc lá, suốt ngày phì phèo đến vàng ố đầu ngón tay, chân răng nhưng từ khi có con, mình quyết tâm bỏ thói quen xấu này. Con cái thấy thế chúng nó cũng ngại, chí ít là không dám hút thuốc và cả những việc lớn hơn, rất nể bố.

Nói đến việc nhà thì anh Quang, anh Hùng bảo “phải tôn anh Sinh làm… sư phụ”. Chân tay bị teo cơ, co quắp, cụt mất nhiều ngón nhưng mình anh đóng và đun cả 4, 5 vạn gạch để làm nhà. Ao rộng cả héc-ta cũng mình anh ngày ngày đào đắp, sau thành hồ thì thả cá, bán lấy tiền, cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình.

Với anh Hùng cũng vậy. Về nhà túng trước hụt sau, bí bách trăm bề song “thuận vợ thuận chồng”, anh chị mở mang dịch vụ, làm đủ nghề để nuôi con ăn học. Hình ảnh anh thương binh ngày ngày chống nạng nhảy lò cò cùng vợ mở hàng cơm với nụ cười thân thiện, nấu nướng nóng sốt khiến ai đến ăn một lần đều nhớ mãi.

Sống để tri ân cuộc đời

Cả buổi chiều trò chuyện với chúng tôi, không khi nào tôi thấy các anh buồn chán hay kêu ca, phàn nàn điều gì. Các anh bảo: “Chúng tôi may mắn hơn anh em đồng đội, được sống sót trở về với gia đình, có vợ có con, được Nhà nước chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo. Chúng tôi càng phải sống tốt hơn để tri ân với cuộc đời này”.

{keywords}

Nhân viên y tế Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh kiểm tra sức khỏe cho thương binh Bùi Ngọc Sinh.

Gần 30 năm sống ở Trung tâm Điều dưỡng, với các thương binh nặng, đó như ngôi nhà thứ hai, không thể thiếu của mình. Họ coi cán bộ Trung tâm như con cháu, anh chị em, người thân, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi và ngược lại, cán bộ ở đây cũng luôn gần gũi, ân cần, quan tâm tới những thương binh đã có quá nhiều thiệt thòi này.

Anh Quang tâm sự: “Chả có ở đâu mà cán bộ Trung tâm với thương binh gần gũi nhau như thế! Các cô không những quan tâm tới bữa ăn, giấc ngủ, vết thương của chúng tôi mà đến cả gia đình, con cái ăn ở, học hành ra sao, các cô đều nắm bắt và chia sẻ. 

Vợ tôi mất, Trung tâm cùng gia đình lo chu toàn, cảm động lắm! Đến cả các đồng chí lãnh đạo tỉnh, khi biết hoàn cảnh gia đình tôi đã giúp con trai tôi học xong có việc làm ổn định. Tôi thực sự trân quý tình cảm này!”.

Chiến tranh đã lùi xa. Có những cái đã qua đi nhưng nỗi đau, vết thương chiến tranh vẫn hiện hữu. Những người lính năm xưa, những thương binh mà tôi gặp họ có cái nhìn khác. Thay vì kêu ca, thay vì những ký ức buồn của mất mát, hy sinh, họ lạc quan, tin yêu vào cuộc sống và luôn tự nhủ phải sống tốt hơn để xứng đáng với sự tin yêu của gia đình, đồng đội và mọi người.

Nhìn vào họ, nhìn vào những thương tật mà họ đã, đang và sẽ mãi phải trải qua, lại cũng nhìn vào sự lạc quan, vui vẻ và tha thiết với cuộc sống của họ, có lẽ sẽ làm chúng ta trân trọng và yêu thương hơn cuộc sống này.

Điện Biên Phủ trong ký ức người lính già
(BGĐT) - Ở tuổi 89, ông Khổng Đức Ngư, thôn Đồng Quan, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) vẫn nhớ về một thời "khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt" cùng đồng đội chiến đấu ngoan cường trong chiến dịch Điện Biên.
Tự hào người lính quân hàm xanh
(BGĐT)- Trở về sau nhiều năm chiến đấu, làm nhiệm vụ canh giữ đất trời biên cương, những người lính biên phòng tỉnh Bắc Giang luôn nhớ về một thời thanh niên sôi nổi, nhiều khó khăn nhưng cũng đầy tự hào. Kỷ niệm ngày truyền thống càng nhắc họ nghĩ về nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. 
Tiếp tục phát huy truyền thống những người lính mang quân hàm xanh
(BGĐT)- Ngày 28-2, tại TP Bắc Giang, Ban liên lạc Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Bắc Giang kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống BĐBP 3-3 (1959-2019) và 30 năm Ngày biên phòng toàn dân 3-3 (1989-2019). Đến dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị trong và ngoài tỉnh cùng gần 400 hội viên Ban liên lạc BĐBP tỉnh.
Ký ức hào hùng của người lính bảo vệ biên cương Tổ quốc
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, ký ức một thời máu lửa lại ùa về với những chiến binh đã tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới mùa Xuân Kỷ Mùi 1979. Trong không khí tưng bừng đón Xuân mới Kỷ Hợi 2019, chúng tôi có dịp đến thăm Đại tá Triệu Văn Điện tại phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Trái tim người lính
(BGĐT) - Bà Hoa khẽ trở mình, thức giấc. Thấy giường trống tênh, bà nén một tiếng thở dài, nhẹ nhàng ngồi dậy, bước đến phòng làm việc của chồng. Trong căn buồng tối, ông Nam - chồng bà, đứng đó, mắt trân trân nhìn những kỷ vật thời chiến treo kín trên tường.

Thu Hương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...