Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Văn hóa / Tác giả, tác phẩm
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đồng đội

Cập nhật: 09:32 ngày 20/04/2019
(BGĐT) - Ông Lâm ngồi thu lu trên dát giường đơn trong căn nhà trống gần nghĩa trang liệt sĩ. Mưa. Mùa hạ ở vùng núi cao này là những cơn mưa bất chợt. Có thể ban đầu chỉ là những hạt mưa lâm râm hoặc lộp bộp thoảng vài hạt tưởng như ông trời vung vảy tay hất ít nước nhưng rồi đám mây đen lê lết kéo tới, mưa ào ào trút xuống như một túi nước khổng lồ bị đứt dây buộc. 

Vậy mà sau đó như có phép thần, mưa bỗng dừng nhưng những đám mây xám xịt nặng nề và ẩm ướt cứ chồng chất ngổn ngang khắp nền trời như lúc nào cũng rình rập trút nước.

Mưa vẫn tầm tã. Nước chảy từng dòng trắng xóa trên mặt đường. Gió thốc vào từ khe hở. Cánh cửa gỗ mỏng mảnh run lên bần bật, cứ như có ai đó rung lắc. Nước tràn vào những chỗ lồi lõm trên nền nhà. Ông ngạc nhiên, mới năm ngoái căn nhà đây vẫn còn đàng hoàng chắc chắn, có người ở. Ấy là ông già Chí dân tộc Tày - người hơn ông mười mấy tuổi nhưng nhìn già hơn thế, rất hiền lành, chu đáo. 

{keywords}

Minh họa: ĐInh Hương

Chẳng lẽ ông già đã nghỉ, và căn nhà này vì lẽ gì đó đã bỏ hoang? Cũng may khi trời đổ mưa, ông Lâm vội chạy vào đây thấy cánh cửa buộc hờ hững dây thừng nên liều cởi chứ nếu không sẽ ướt sũng khi chạy vào ẩn trong xóm ở phía xa. Cái dát giường chắp vá bằng những thanh gỗ tạp nham đã đẫm nước vì khe hở cửa sổ. Chả hiểu ông già ốm đau, còn hay mất mà tự dưng bỏ quán này?

“Lão tôi đây là lính chống Mỹ đấy, đánh giặc suốt sáu, bảy năm trời cho tới ngày giải phóng miền Nam. Tiếc mỗi cái là không có mặt ở Sài Gòn ngày 30-4-1975. Hôm ấy tôi vẫn ở Đà Nẵng. Bị thương từ đầu đến chân vẫn sống sót về với bà lão. Có mỗi mụn con trai thôi. Bà lão đã mất cách đây chục năm. Ngồi ở nhà cũng buồn, ra đây mở quán nước, bán có lời lãi gì, được cái gặp khách gần xa, nhất là các ông bà già để trò chuyện cho vui. Với lại, tôi trông nom nghĩa trang liệt sĩ. Tình nguyện mà. Cũng là tình đồng đội với nhau. Khối bạn bè trong xã đi cùng tôi đã hy sinh”. Ông già kể về đời mình vào buổi đầu gặp ông Lâm đến đây.

Mưa vẫn rào rào. Gió đã bớt hung hãn, không còn thổi ngang thổi dọc gầm gào. Mưa to thế này hẳn chóng tạnh. Năm ngoái ông đi xe máy. Năm nay ông đi xe buýt. Cũng là nhờ Nhà nước mở đường từ thị trấn qua xã này.

Dẫu mới sáu mấy tuổi đầu nhưng ông lắm bệnh vì tái phát vết thương chiến tranh. Người ông chằng chịt sẹo do đạn giặc. Năm ấy, đại đội ông truy đuổi địch. Bỗng đạn pháo nổ ầm ầm trước mặt. Đất đá, cây cối đổ rào rào. Vĩnh đi sau ông, lao người đè lên ông khi một tràng súng máy xả tới. Ông thấy lạnh buốt người, quay đầu thấy Vĩnh nằm trong vũng máu. 

Ông ngất đi không biết gì, tỉnh lại thấy mình đầy băng bó nằm trong căn nhà gỗ có mấy người mặc blu trắng. “Vĩnh đâu?”. Ông phều phào hỏi người đứng bên. Không có tiếng đáp lại. Mọi người đang vội vã cứu chữa vài chiến sĩ vừa đưa tới. Ông mê sảng và Vĩnh cứ ẩn hiện trong chập chờn giấc ngủ.

“Hóa ra không hẹn mà nên, tao với mày cùng quê cùng nhập ngũ một ngày. Xã tao chỉ cách xã mày một cánh đồng. Tao có em gái cực xinh, ngoan hết ý. Mày chỉ cần nhìn là ngất luôn. Gọi tao là anh từ nay nhé? Nhất trí không?”. Vĩnh lém lỉnh, tếu táo đùa pha, ai cũng quý. Điều đặc biệt là Vĩnh rất yêu thơ, thuộc rất nhiều bài, lại có giọng đọc đầy biểu cảm. 

Ông còn nhớ buổi thủ trưởng gặp mặt các tân binh, Vĩnh sang sảng đọc một bài thơ của nhà thơ quân đội nổi tiếng, đến nỗi nhiều người đòi chép và học thuộc. Cho đến bây giờ ông vẫn còn thuộc một đoạn: Đồng đội ta/ là hớp nước uống chung/nắm cơm bẻ nửa/ Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa/ Chia khắp anh em một mẩu tin nhà/ Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp/ Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết".

"Bố mẹ tao cứ bắt tao lấy vợ, chả là tao độc đinh, nghĩa là con trai duy nhất, nhưng tao kiếm mọi cớ để trì hoãn. Tao đang học năm thứ hai đại học. Thấy giặc xâm lăng biên giới, tao xin nhập ngũ. Đâu có giặc là ta cứ đi. Mày biết bài hát ấy không? Đánh tan giặc, về học tiếp. Tốt nghiệp, có công việc đâu vào đấy mới tính chuyện lấy vợ. Trai ba mươi tuổi đang xoan. Mày đã nghe câu ca đó của các cụ ngày xưa chưa?”. Vậy mà Vĩnh đã ngã xuống trên trận địa khi chỉ còn dăm bảy ngày nữa quân ta đánh đuổi giặc cút khỏi biên giới.

Mưa đã tạnh. Gió đã ngừng. Ông dậy, mở toang cánh cửa. Từ phía trước một người mặc áo mưa trùm kín đầu đi tới. Không hiểu người ấy ôm cắp cái gì trước bụng mà trông phùng phình đến thế. Ai nhỉ? Người qua đường hay là chủ quán này? Người ấy dừng chân, cởi áo mưa, tay cắp chiếu. Ôi, ông già Chí. Ông Lâm chạy ào ra đón. Ông già thủng thẳng:

- Lão thấy có người bảo, ai đấy vào chỗ này. Lão đoán dịp này chắc chỉ là ông thôi - Ông già lững thững vào nhà, trải chiếu lên giường - Ngồi vào đi, làm thứ này ấm bụng - Ông nhấc trong túi áo một chai rượu cùng hai chiếc chén - Rượu ba kích đấy.

Ông già chầm chậm rót rượu ra hai chén:

- Đúng là không ai được như ông. Ba mươi mấy năm trời, năm nào cũng viếng bạn vào những ngày này.

- Anh ấy đã cứu em. Tình đồng đội sâu nặng lắm.

Ông già hình như không để ý đến câu nói ấy, cứ loay hoay với chiếc chiếu đang ướt đôi chỗ.

- Uống đi chứ. Rượu ngon đấy. Anh bảo cái gì cơ?

Ông Lâm nhấm nháp chút rượu. Ông đang phải kiêng thứ này vì uống thuốc Nam. Ông bảo, bao nhiêu bệnh đều đổ hết vào mình. Không tháng nào là không vào bệnh viện. Cũng vì lắm bệnh mà ông phải về hưu trước tuổi, dẫu đang làm giám đốc một ngành.

- Cuối năm nay họ hàng anh Vĩnh sẽ đưa anh ấy về nghĩa trang liệt sĩ xã đang xây dựng mới khang trang, bề thế. Lẽ ra phải rước hài cốt anh Vĩnh về sớm. Cũng là do bà mẹ Vĩnh chẳng biết thực hư thế nào, nói rằng nằm mơ mấy lần là Vĩnh cứ đòi ở nghĩa trang này cùng với đồng đội chứ không muốn về nhà. Những năm đầu em cùng lên đây với bố mẹ anh ấy. Sau hai bác già yếu, em đi thay. Bố mẹ anh Vĩnh đã mất lâu rồi. Vừa rồi họ hàng có ý đón anh về.

- Đưa về là phải, vừa thuận tiện trông nom vừa gần gặn họ hàng, bà con hàng xóm - Ông già ngập ngừng như muốn nói điều gì đó - Ừ, thế nào cũng được. Lão chả biết nói thế nào…". Ông già bỗng nhổm dậy, dọn dẹp chỗ ngồi - Quán này bị bỏ hoang vì xã sắp mở rộng đường. Xã sẽ xây mấy gian nhà ngói đàng hoàng thay chỗ đây. Tôi đã xin nghỉ mấy tháng nay rồi. Ông tính tám mấy tuổi còn đâu hơi sức. Thay tôi là một ông cựu chiến binh - Ông già xỏ dép, đứng dậy - Tạnh hẳn rồi. Ta ra nghĩa trang đi.

Ông Lâm thong thả bước theo ông già.

Trời đã hửng nắng. Nghe đâu đây tiếng nước chảy róc rách, thì thầm như thực như mơ. Nghĩa trang sau cơn mưa trông tinh khôi sáng láng hẳn lên. Những nén hương trầm như chấm đỏ rực khắp nghĩa trang. Làn khói mỏng mảnh uốn lượn trong tiếng gió thì thào vỗ về giữa buổi trưa yên ả.

Quà tặng
-“Bố ơi, sắp sinh nhật mẹ rồi, bố mua quà gì tặng mẹ đây!”. Con trai lớn ríu rít hỏi, anh đang bận điện thoại, trả lời qua quýt: - "Ừ, thì hỏi xem mẹ thích gì thì bố con mình đi mua!". Rồi anh lại cắm cúi vào chiếc điện thoại.
 
Ngõ ấm
(BGĐT) - Đầu ngã ba phường Tĩnh Mễ mới xuất hiện một quán ăn ở căn nhà ngói mà tôi thường qua. Căn nhà này vốn quay mặt vào trong, phía trước là nhà hai tầng. Nghĩa là gia chủ đã phá tường sau kề vỉa hè để mở quán. Cái ngã ba này vừa mở rộng to đẹp nên quán sá ngày càng nhiều.
 
Số 1
(BGĐT) - Quỳnh Trang bực bội đâm giận cả bố. Gần hết lớp 6 rồi mà bố lúc nào cũng một bước theo con. Bọn bạn nhìn thấy cứ chê là trẻ con, là Trang sữa. Về nhà, thế nào Quỳnh Trang cũng phản ứng với mẹ để bố thôi “ám” đi, con gái lớn còn gì.
 
Lửa lòng
(BGĐT) - Mùa đông đi qua nửa khoảng trời xa
Xuân chợt đến mở nắng vàng e lệ
 
Bìm bìm nở muộn
(BGĐT) - Bố cháu gọi cô lên.Thằng Hoàn lên tiếng gọi. Mùi nghĩ là mình ù tai nên nghe nhầm. Cô tiếp tục đảo thuốc. Tiếng đũa cọ vào thành chảo loạt xoạt. 
 

Đỗ Nhật Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...