Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Theo dòng sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Không để pháo nổ dịp Tết

Cập nhật: 08:40 ngày 25/12/2019
(BGĐT) - Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái tại phiên họp UBND tỉnh tháng 12 vừa qua. Đồng chí yêu cầu ngành công an và các địa phương phải có biện pháp phòng ngừa, ngăn cấm các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng pháo nổ.

Còn nhớ Tết Kỷ Hợi năm ngoái, sau đêm Giao thừa, nhiều làng quê đầy xác pháo. Làng này đốt, làng kia cũng đốt; người đốt sau nhiều hơn người đốt trước; đốt lúc Giao thừa chưa hết, nhiều người đốt cả sáng mùng 1 và suốt Tết. Lực lượng chức năng đã vào cuộc, gọi hỏi, xử phạt một số trường hợp nhưng xem ra năm nay tình hình vẫn diễn biến phức tạp.

Chỉ tính từ tháng 12 đến nay, lực lượng công an đã liên tiếp bắt giữ gần 10 vụ vận chuyển pháo nổ với số lượng vài trăm kg. Xin được nêu một vài vụ điển hình:

Ngày 14-12, Công an Tân Yên bắt giữ Nguyễn Văn Nhất (SN 1994) ở thôn Nguộn Ngoài, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn đang vận chuyển 5 bệ pháo (loại 36 quả), tổng trọng lượng 6,2 kg.

Ngày 15-12, Công an Việt Yên phát hiện Thân Văn Vượng (SN 1984) ở thôn Thượng Phúc, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên điều khiển xe máy có biểu hiện nghi vấn nên dừng xe kiểm tra. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện trong bao tải Vượng chở phía sau xe có 10 bệ pháo hoa (loại 36 quả), tổng trọng lượng 14 kg.

Riêng buổi chiều ngày 17-12, tại địa phận huyện Lạng Giang, Công an tỉnh đã liên tiếp bắt 2 vụ vận chuyển pháo nổ trái phép, thu giữ hơn 80kg.

Trước đó, chiều 5-12, Công an Sơn Động bắt quả tang đối tượng tàng trữ pháo nổ là Nông Văn Tuấn (SN 1992) ở thôn Thượng, xã Cẩm Đàn. Tại nơi ở của Tuấn, tổ công tác thu giữ nhiều loại pháo khác nhau với trọng lượng khoảng 40kg…

Liệt kê một vài vụ việc để thấy thị trường pháo Tết rất “sôi động”. Theo nhiều người giải thích, sở dĩ nhiều đối tượng bất chấp việc làm phạm pháp để mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ là do lợi nhuận siêu khủng từ món hàng này. Chưa kể, “có cầu ắt có cung”, có người muốn mua để đốt thì ắt có người bán.

Từ năm 1995, Chính phủ đã cấm triệt để đốt pháo. Nhiều năm Bắc Giang yên ả khi Tết đến Xuân về, không tiếng pháo, không xác pháo. Nay nhiều gia đình có người đi làm ăn xa, có điều kiện, về quê ăn Tết muốn khoe khoang, hãnh diện với bà con nên “chơi trội” đốt pháo. Mà ở quê “con gà tức nhau tiếng gáy”, người này đốt người kia cũng đốt.

Để Tết không còn tiếng pháo, ngoài sự vào cuộc, ngăn ngừa, kiểm tra kiểm soát nguồn cung của lực lượng công an, cũng rất cần xử phạt mạnh tay với cả người đốt pháo. Các địa phương, nhất là những địa bàn “nhạy cảm” từ những năm trước cần yêu cầu người dân ký cam kết, cung cấp thông tin những gia đình tàng trữ pháo trái phép.

Đốt pháo là “đốt tiền”, chưa kể theo đó là cháy nổ, nhiều vụ bỏng nặng, mù mắt vì pháo. Bấy nhiêu thôi chưa đủ sợ thì chính quyền, ngành chức năng phải mạnh tay, để làng quê không tiếng pháo khi Tết đến Xuân về.

Hương Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...